Tại hội thảo “Hiện thực hóa nhà ở xã hội xanh” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 22-8, ông Hà Quang Hưng, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất đọng sản (Bộ Xây dựng), cho biết trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý 2-2024, cả nước đã có 619 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 561.800 căn.
Trong đó số lượng dự án hoàn thành là 79 dự án với quy mô 40.679 căn, số lượng dự án đã khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 112.000 căn và số dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 410.000 căn.
Theo ông Hưng, các địa phương đang triển khai khoảng 152.000 căn nhà ở xã hội, đạt hơn 35% so với mục tiêu đến 2025.
Lý giải về việc phát triển nhà ở xã hội chưa nhanh như kỳ vọng, ông Hưng cho hay nguyên nhân cốt lõi là có những chồng chéo trong các luật khiến việc phát triển nhà ở gặp nhiều vướng mắc thời gian dài, song đến nay hành lang pháp luật đã khơi thông.
Bên cạnh đó, ông Hưng nhận định các chính sách khác như tạo điều kiện phát triển quỹ đất xây nhà ở xã hội, ưu đãi về lợi nhuận cho chủ đầu tư, cắt giảm thủ tục hành chính, cởi mở những điều kiện cư trú, thu nhập cho người mua… sẽ giúp các chủ đầu tư tăng tốc xây dựng nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết việc xây dựng các nhà ở xã hội xanh sẽ góp phần giảm phát thải, nâng cao chất lượng đời sống người dân nhưng lại không tăng giá mua nhà.
Theo ông Lệnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa để các dự án tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển nhà ở xã hội, trong đó có gói 120.000 tỉ đồng.
Tính đến nay, tại TP.HCM có 6 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện để tiếp cận gói 120.000 tỉ đồng, song ông Lệnh cho biết chỉ có 3 dự án vay vốn từ các ngân hàng.
Trong đó, dự án nhà ở cho công nhân tại TP Thủ Đức đang vay gói 120.000 tỉ đồng với số tiền đã giải ngân là 170 tỉ đồng, 2 dự án còn lại vay thông qua ngân hàng thương mại, không tham gia gói vay ưu đãi.
Theo ông Lệnh, Luật Nhà ở 2023 và nghị định 100 đã nới các điều kiện về thu nhập, trong đó vợ chồng có tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 30 triệu đồng được mua nhà ở xã hội sẽ giúp mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội.
Điều quan trọng là cần tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay thấp, thời gian cho vay dài và tăng tốc làm nhà ở xã hội để có nguồn cung cho người dân mua được nhà.
Ông Vũ Linh Quang, thành viên ban giám đốc Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam, cho rằng tại Việt Nam đã có nhiều tòa nhà thương mại đã đạt các tiêu chí xanh trong nước và quốc tế từ 15 năm nay.
Theo ông Quang, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội xanh nhưng không tăng chi phí khả thi tại Việt Nam, đòi hỏi các các chủ đầu tư cần “dấn thân” vì mục tiêu giảm phát thải chung, chú trọng các tiêu chí xanh ngay từ giai đoạn đầu phát triển dự án.