Huyện Cẩm Mỹ nằm trong tốp đầu các địa phương có diện tích sầu riêng lớn của tỉnh Đồng Nai với 2.375 ha. Đặc biệt, huyện đã hình thành được các vùng sản xuất sầu riêng chuyên canh diện tích lớn gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Toàn huyện đã nhân rộng được hơn 144 ha sầu riêng đạt chuẩn VietGAP. Đây cũng là địa phương đi đầu của tỉnh xây dựng vùng sầu riêng sản xuất hữu cơ.
Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương thu hút doanh nghiệp (DN) về đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 8 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm sầu riêng.
Chuỗi liên kết Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế hiện có 62 hộ sản xuất với quy mô hơn 88 ha với tổng sản lượng đạt gần 1.100 tấn/năm. Trong đó, vườn sầu riêng rộng 3,3 ha của Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế Trần Quang Hiệp đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ vào năm 2023.
Ông Trần Quang Hiệp chia sẻ: “Từ thực tế mô hình sản xuất sầu riêng hữu cơ cho năng suất, chất lượng cao, được DN bao tiêu, các tổ viên của Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế đang dần chuyển đổi sang canh tác hữu cơ với định hướng xây dựng vùng chuyên canh đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu đi các thị trường lớn”.
Toàn huyện đã thành lập được 3 hợp tác xã hoạt động sản xuất, thu mua sầu riêng; có 11 cơ sở, tổ hợp tác có đăng ký kinh doanh lĩnh vực thu mua sầu riêng và 15 tổ hợp tác đang hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng tại xã Xuân Tây cho hay: “DN chọn đầu tư nhà máy làm sầu riêng đông lạnh tại huyện Cẩm Mỹ vì địa phương có những vùng nguyên liệu sầu riêng với diện tích lớn; có những cộng đồng trồng sầu riêng lâu đời và đã hình thành nên các câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất đảm bảo cho trái ngon, an toàn”.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng, sầu riêng được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, chủ yếu là 2 giống đặc sản Ri6 và Dona đều bán được giá cao trên thị trường.
Tuy nhiên, định hướng đến năm 2030, địa phương không phát triển thêm diện tích cây trồng này mà chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm; hình thành mới nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng an toàn. Huyện cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng.
Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Mỹ, đến nay trên địa bàn huyện có 13 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 461 ha của 309 hộ. Bên cạnh đó, có 3 hồ sơ đang tiến hành kiểm tra để gửi hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng với diện tích gần 159 ha.