Tối 22-8 (giờ địa phương), Đại hội Đảng Dân chủ bước vào phiên cuối cùng với tâm điểm là bài phát biểu nhận đề cử tổng thống của Phó tổng thống Kamala Harris.
Giống nhiều sự kiện tranh cử trước, phó tổng thống Mỹ mở đầu bài phát biểu bằng cách viện dẫn câu chuyện cuộc đời bản thân: con gái hai cựu sinh viên quốc tế người Ấn Độ và Jamaica quyết định theo đuổi “giấc mơ Mỹ”, cùng việc lớn lên trong một gia đình trung lưu bình dân ở thành phố Oakland (bang Caliornia).
Bà khẳng định: “Hồi làm công tố viên, trước mỗi vụ án, tôi không chỉ nhân danh nạn nhân mà còn nhân danh người dân Mỹ. Mỗi ngày ở phòng xử án, tôi đều kiêu hãnh đứng trước thẩm phán và nói năm từ: Kamala Harris vì người dân. Tôi muốn nhấn mạnh suốt sự nghiệp chính trị của mình, tôi chỉ phục vụ một thân chủ: người dân.
Đại diện người dân, đại diện tất cả người Mỹ bất kể đảng phái, giới tính, ngôn ngữ, nhân danh những ai từng bắt đầu hành trình khó tin ở đây, tôi chấp nhận đề cử của các bạn để trở thành tổng thống Mỹ. Tôi muốn các bạn biết tôi hứa sẽ là tổng thống của toàn dân Mỹ”.
Chia sẻ của bà Harris nhận sự hưởng ứng kịch liệt từ khán phòng. Thừa thắng xông lên, ứng viên Đảng Dân chủ tiếp tục tìm cách đặt ông Trump vào thế đối lập: “Trong nhiều cách, ông Donald Trump là một người không nghiêm túc, nhưng những hậu quả ông ấy để lại Nhà Trắng lại rất nghiêm trọng.
Hãy nghĩ đến quyền lực ông ấy sẽ nắm trong tay khi tòa án tối cao vừa tuyên bố ông ấy hưởng quyền miễn tố trước mọi quyết định công vụ. Tưởng tượng ông Donald Trump không còn bị ràng buộc bởi điều gì và cách ông ấy sử dụng quyền lực của tổng thống Mỹ không nhằm cải thiện cuộc sống của bạn hay an ninh quốc phòng. Thay vào đó, ông ấy dùng chúng để phục vụ khách hàng duy nhất của ông ta: bản thân”.
Chiến đấu vì tầng lớp trung lưu
Bà Harris dành nửa còn lại của bài phát biểu để nhấn mạnh sự tương phản trong quan điểm chính sách của mình và ông Trump. Bà tuyên bố: “Chúng ta đang tiến đến tương lai với một tầng lớp trung lưu giàu mạnh. Đây đã luôn là tầng lớp chủ chốt cho thành công của nước Mỹ và củng cố tầng lớp trung lưu là mục tiêu định hình nhiệm kỳ tổng thống của tôi”.
Ngược lại, ứng viên Đảng Dân chủ khẳng định ông Trump không quan tâm cho tầng lớp trung lưu. Thay vào đó, ông sẽ tìm cách mang lại quyền lợi cho bản thân và tầng lớp thượng lưu.
“Ông ấy sẽ lại cho (những doanh nghiệp lớn) miễn thuế, cộng thêm 5.000 tỉ USD vào nợ công. Ngược lại, ông ấy sẽ ban hành thuế mua bán quốc gia và khiến chi phí sinh hoạt của các hộ trung lưu tăng gần 4.000 USD mỗi năm. Tôi sẽ cắt thuế cho tầng lớp trung lưu và điều đó sẽ có lợi cho hơn 100 triệu người”, bà Harris khẳng định.
Ngoài ra, bà cũng tiếp tục chỉ trích ông Trump xung quanh một số vấn đề gây tranh cãi như quyền nạo phá thai, người nhập cư…
Nồng ấm phương Tây, lạnh nhạt Triều Tiên
Về chính sách đối ngoại, bà Harris tiếp tục chỉ trích quan điểm có thể làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những phát ngôn có phần cảm tình với Tổng thống Nga Vladimir Putin của ông Trump.
Bà nhấn mạnh vai trò của bản thân trong việc kêu gọi quốc tế hỗ trợ Ukraine trong những ngày đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga”, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục sát cánh cùng Kiev và NATO nếu đắc cử tổng thống.
Với vấn đề căng thẳng ở Trung Đông – khía cạnh mà bà được kỳ vọng để lại dấu ấu, phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh quan điểm ủng hộ “quyền tự vệ” của Israel và chỉ trích Hamas, Iran…
Tuy nhiên, bà không quên nhắc đến thảm họa nhân đạo đang diễn ra với người Palestine ở Dải Gaza: “Những gì diễn ra tại Gaza trong 10 tháng qua thật kinh khủng. Quá nhiều sinh mạng vô tội bị tước đi. Người dân đói khát, tuyệt vọng phải chạy trốn hết chỗ này sang chỗ khác. Mức độ thống khổ quá kinh khủng”.
Về vấn đề căng thẳng với Trung Quốc, bà Harris chỉ nhắc thoáng qua một lần trong suốt bài phát biểu. Tuy nhiên, bà lại thể hiện rõ quan điểm cứng rắn với vấn đề Triều Tiên, cho thấy quan hệ Mỹ – Triều sẽ khó lòng cải thiện nếu bà thắng cử: “Tôi sẽ không kết thân với những ‘kẻ độc tài và bạo chúa’ như ông Kim Jong Un, người đang mong mỏi chiến thắng của ông Trump”.