Ngày 23-8, tại cuộc gặp mặt chuyên gia, cộng tác viên thân thiết của báo Tuổi Trẻ nhân dịp kỷ niệm 49 năm thành lập báo (2-9-1975 – 2-9-2024), các chuyên gia đã chia sẻ tình cảm gắn bó, những ấn tượng với sự phát triển của báo Tuổi Trẻ và mong báo sẽ tiếp tục đồng hành với bạn đọc, đặc biệt giới trẻ.
Kể lại việc tiếp xúc với Tuổi Trẻ khi đang làm hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, GS Nguyễn Văn Minh cho hay cảm nhận đầu tiên của ông là các phóng viên của báo rất trách nhiệm.
Rất cần những bài phân tích, bình luận sâu
Ông nhấn mạnh Tuổi Trẻ phải trẻ đúng với tên, mới mẻ và trẻ trung. Ông mong muốn Tuổi Trẻ luôn luôn giữ giá trị và định hình giá trị, bản sắc của mình. Cùng với việc đưa các tin nóng, kịp thời, đồng thời rất cần những bài phân tích, bình luận rất sâu…
Ông cũng mong Tuổi Trẻ sẽ là nơi phát hiện cái mới, cái đúng, đồng thời phải kiên định bảo vệ cái mới, cái đúng.
“Tôi nghĩ rằng đây là bản lĩnh của một tờ báo, cần ủng hộ cái mới, mà mới thì không phải ai cũng biết và hiểu cả. Cho nên thấy mới, thấy đúng thì bảo vệ và phải kiên định bảo vệ”, GS Minh đề nghị.
GS Nguyễn Văn Minh cũng nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ đối với báo chí. Trong đó, trước hết là nền tảng số, “nếu thiếu nền tảng số đừng bao giờ nói đến chuyển đổi số báo chí”.
Nền tảng ở đây có hai yếu tố là nền tảng vật lý và nền tảng con người.
Thứ hai, là nội dung số, đây là vấn đề cần liên tục học hỏi. Thứ ba là hình thức.
“Nói đến tuổi trẻ, đến báo Tuổi Trẻ là đặt vấn đề về người trẻ, tư duy trẻ và cả người lớn tuổi nhưng tư duy trẻ. Chúng ta nói đến người trẻ, nhưng có lúc lại áp đặt hệ quy chiếu của chúng ta để phán xét thế hệ trẻ. Đây là việc phải nhận thức lại.
Chúng ta không sống đúng nghĩa với thế hệ trẻ, với thế hệ gen Z bây giờ thì không hiểu được các cháu đâu. Từ ngôn ngữ, cách nghĩ thế nào, quan niệm thế nào.
Nếu chúng ta không sống trong thế giới của các bạn trẻ và dùng suy nghĩ của người lớn trưởng thành để áp đặt vào tư duy người trẻ và phán xét, khi đó, tôi nghĩ chúng ta sẽ thất bại.
Phải sống đúng đời sống của các bạn, hiểu quan niệm của các bạn, lúc đấy chúng ta mới nói đến giáo dục như thế nào”, GS Minh chia sẻ thêm và mong phóng viên Tuổi Trẻ phải thâm nhập vào đúng đời sống của người trẻ, hiểu họ, đồng hành với họ để uốn nắn, giáo dục, nếu không sẽ chỉ là hô khẩu hiệu…
Nên có thêm mảng phổ biến kiến thức giáo dục tài chính
TS Phạm Thế Anh, trưởng khoa kinh tế Trường đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá cao các chuyên đề chính trị, xã hội, thể thao và các mục rất có ý nghĩa của Tuổi Trẻ.
Ông nhắc lại cách đây 3-4 ngày sau khi đọc được bài báo Tuổi Trẻ viết về một bạn tân sinh viên nghèo đỗ 3 trường đại học, trong đó có nguyện vọng vào Trường đại học Kinh tế quốc dân, trường liên hệ ngay, mong muốn tạo điều kiện, miễn học phí, ký túc xá…
TS Thế Anh cũng thẳng thắn nhận xét, mục kinh doanh, tài chính của Tuổi Trẻ thời gian qua còn có những hạn chế dẫn đến những người quan tâm lĩnh vực này lại tìm đến các báo chuyên sâu về tài chính hơn. Do đó, Tuổi Trẻ cần đầu tư hơn về lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hiện kiến thức tài chính của từng cá nhân còn hạn hẹp, Tuổi Trẻ nên nghiên cứu để có thêm mảng phổ biến kiến thức giáo dục tài chính cho người dân, tránh các trường hợp vỡ nợ trái phiếu, bảo hiểm…
“Nếu làm được, kèm phân tích, phỏng vấn chuyên sâu sẽ trang bị cho người dân tốt và tránh vụ việc đáng tiếc, kiện tụng, mất tiền thiếu hiểu biết”, ông Thế Anh nêu.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, lại bày tỏ ấn tượng với sự “tử tế” của Tuổi Trẻ.
“Tôi khen Tuổi Trẻ bằng chữ “dũng cảm”. Cái dũng cảm đấy rất cần, nhất là trong thời kỳ hiện nay. Tôi mong rằng thời gian tới, báo sẽ chuyển sang hướng chuyên nghiệp, để vượt qua thách thức đặt ra từ truyền thông xã hội”, luật sư Lập bày tỏ.
Mong Tuổi Trẻ tiếp tục phản biện
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, Ủy ban Thể dục thể thao, cho rằng với ông Tuổi Trẻ là một tài liệu học tập, nghiên cứu nhiều lĩnh vực.
Theo ông Minh, muốn sự vật phát triển cần phải có sự phản biện. Báo chí là một phương tiện phản biện, không có điều đó không thể đóng góp cho sự phát triển được. Ông mong báo Tuổi Trẻ phải phản biện mạnh mẽ.
Ông Vũ Quang Huy, giám đốc Trung tâm thể thao giải trí Đài truyền hình VTC, nhấn mạnh: với ông, Tuổi Trẻ là một người bạn rất gần gũi và bày tỏ trân trọng sự dấn thân của các đồng nghiệp khi có những phát hiện, hướng đi độc đáo.
Bên cạnh báo giấy, Tuổi Trẻ đã phát triển đa dạng các loại hình từ Tuổi Trẻ Online, phát triển trên nền tảng YouTube…
Ông vui mừng với sự phát triển mảng thể thao của Tuổi Trẻ khi ngoài việc đưa thông tin nhanh nhạy, chính xác còn khuyến khích, mở ra các phong trào thể thao…
Thời gian tới, ông Huy mong muốn Tuổi Trẻ cần bổ sung thêm nhiều cây bút, nhất là các cây bút trẻ để có các nét viết mới, góc nhìn mới, góp thêm tiếng nói cho thể thao Việt Nam phát triển…
PGS.TS Trần Chủng, chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, mong muốn thời gian tới Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục quan tâm, phản ánh để mọi người thấy rõ dù tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình nhưng chất lượng công trình mới là điều quan trọng nhất.
Theo PGS.TS Trần Chủng, thời gian tới sẽ đầu tư nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao nên đề nghị Tuổi Trẻ tuyên truyền giáo dục để người dân thay vì biết thì phải hiểu về các loại hình giao thông hiện đại, mới có thể làm được.