Chiều 23-8, tỉnh Đồng Nai đã phát động chiến dịch “nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép”.
Theo đó, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vườn quốc gia Cát Tiên, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam… cùng khởi động chiến dịch “nói không với sử dụng động vật hoang dã”, giai đoạn 2024 – 2025.
Nói về lễ phát động, ông Lê Văn Gọi, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay nhu cầu sử dụng động vật hoang dã vẫn còn, dẫn đến tình trạng săn bắt trái phép.
Vì vậy, cuộc phát động tăng cường thực thi pháp luật phối hợp liên ngành trong phòng chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức không mua bán, vận chuyển giết mổ động vật hoang dã…
Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, cũng đưa ra cảnh báo những động vật quý hiếm từng có mặt ở rừng Việt Nam như hổ đông dương, tê giác, sao la… nhưng hàng chục năm qua không còn nhìn thấy.
Tình trạng săn bắt, bẫy động vật còn xảy ra ở nhiều địa phương chỉ vì trong cộng đồng có nhu cầu, đây là nguyên nhân làm gia tăng buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt, tăng áp lực lên săn bắt trái phép.
Do đó, ông Thái đề nghị việc ngăn chặn săn bắt động vật hoang dã cần có sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức.
Đồng thời nâng cao nhận thức trong cộng đồng bằng các chiến dịch truyền thông để bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn động vật hoang dã và ngăn chặn các vi phạm…
Vẫn còn xảy ra các vụ săn bắt động vật hoang dã
Theo các cơ quan chức năng, tỉnh Đồng Nai có khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Hai khu này đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và được công nhận là khu vực đa dạng sinh học rất cao.
Ý thức việc giữ rừng, các cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp tuần tra, bảo vệ rừng, ngăn chặn nhiều vụ xâm nhập rừng săn bắt. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra các vụ săn bắt động vật hoang dã.
Cụ thể, theo kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên, trong 6 tháng đầu năm xử lý 42 vụ với 62 đối tượng, trong đó có nhiều người xâm nhập vào rừng đặt bẫy, dùng súng săn bắt động vật hoang dã. Thế nhưng việc xử lý vẫn còn hạn chế do kiểm lâm không đủ thẩm quyền, thiếu trang thiết bị hoặc các quy định bất cập.