Mới đây VASEP đưa ra con số chỉ trong tháng 7, xuất khẩu cá ngừ tại các nơi tiêu thụ cá ngừ nhất nhì của Việt Nam đang giảm như thị trường EU (giảm 14%), Israel (giảm 31%), đặc biệt Hà Lan và Đức giảm lần lượt là 46% và 19%.
Cá về cảng không được thu mua
Ngày 25-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, “vua tàu cá” Bùi Thanh Ninh (67 tuổi, tỉnh Bình Định) kể đang có 12 chiếc tàu hoạt động trên biển thừa nhận những khó khăn khi “vướng” quy định về kích cỡ tối thiểu cá ngừ đánh bắt phải từ 50cm.
“Ở vùng biển Việt Nam, cá ngừ vằn có kích thước khá nhỏ. Nếu làm đúng quy định, mỗi chuyến ra khơi chỉ đánh bắt khoảng 5%. Thời gian này (ba tháng 7 , 8, 9) là mùa khai thác cá ngừ vằn. Cá bắt về cảng không đúng size không được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc nên không ai mua”, ông Ninh nói.
Trong khi đó ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, cho biết: “Nhiều cảng cá, các địa phương không cấp giấy chứng nhận nguồn gốc đối với cá ngừ không đạt chuẩn nên doanh nghiệp không thu mua dù nhu cầu tiêu thụ vẫn rất lớn. Cá ngừ vằn chiều dài 50cm, tương đương trọng lượng cá 5 – 7kg.
Ở các nước, sản xuất đồ hộp với cá ngừ cần khoảng 1,8 – 3,4kg. Nhưng nhiều tàu khai thác cá ngừ vằn trọng lượng dưới 1kg vẫn sản xuất cá đóng hộp và khách hàng rất ưa chuộng các sản phẩm đóng hộp từ cá ngừ kích cỡ nhỏ”.
“Ngay cả Liên minh châu Âu, Tây Ban Nha, bảo tồn không có quy định kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn mà chỉ có một số loài nhạy cảm và kích thước tối thiểu khác nhau theo từng vùng biển”, ông Hòe nói.
Ông Hòe cũng cho rằng để đúng nghị định 37, ngư dân phải thay đổi lưới có kích thước mắt lưới đáp ứng, các tổ chức quản lý cảng cá phải bổ sung tiêu chí ngư cụ vào phần kiểm tra cấp phép xuất, cập bến.
“Có đủ điều kiện, doanh nghiệp mới thu mua. Nếu không cũng chỉ nhìn nên doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thiếu nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu”, ông Hòe nhấn mạnh.
Sẽ điều chỉnh kích thước cá ngừ
Liên quan đến quy định kích thước cá ngừ vằn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết sau khi có kiến nghị của VASEP, bộ đã giao cho Cục Thủy sản phối hợp cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh kích thước để phù hợp với thực tiễn cũng như các quy định.
Theo Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản năm 2024 là gần 3,4 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2023; năm 2025 đạt 3,2 triệu tấn; đến năm 2030 chỉ còn 2,8 triệu tấn.
Nhưng mới đây cục này đưa ra số liệu năng lực thủy sản lại tăng, 6 tháng 2024 tăng 1%, riêng tháng 7 tăng 0,7% nên để giảm sản lượng, cần nhiều biện pháp. Cụ thể như giảm đội tàu, chuyển đổi nghề; giải quyết các vấn đề về chống khai thác IUU như quản lý và giám sát đội tàu, truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản…
Trước đó nghị định 37-2024 của Chính phủ được ban hành trong tháng 4. Cụ thể là quy định chỉ được đánh bắt cá ngừ vằn có chiều dài tối thiểu 50cm và cá trích xương từ 11cm. Nghị định này ra đời để bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang bị cạn kiệt, hướng tới ngành thủy sản xanh, bền vững.
Chuyển hướng giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi trồng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số lao động tham gia khai thác hải sản và dịch vụ lên tới hơn 2 triệu người, với hơn 94.000 tàu cá. Đánh bắt trên biển chiếm gần 43% tổng sản lượng thủy sản và chiếm hơn 40% kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Định hướng của ngành thủy sản trong thời gian tới là chuyển dịch theo hướng giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi trồng nhưng đảm bảo giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hằng năm ở mức 4 – 5%.