Hơn nữa hạn chế được nhiều cảnh dở khóc dở cười như trước đây: nhờ người thân mua nhà rồi cuối cùng… mất nhà hoặc mất tình thân.
Tuy nhiên thị trường sôi động đến đâu thì còn phải chờ thực tế, đi kèm với việc cải thiện một số vấn đề.
Tâm lý Việt kiều sẽ thoải mái hơn khi mua nhà
Trao đổi với Tuổi Trẻ về tác động của quy định cho người gốc Việt được mua nhà đất trong nước, một lãnh đạo doanh nghiệp dịch vụ bất động sản nói lượng người tìm kiếm từ các nước trên thế giới về bất động sản ở Việt Nam khi kết thúc đại dịch đến nay liên tục tăng lên. Điều này thể hiện kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng, sự tăng trưởng kinh tế sẽ thu hút thêm các dòng đầu tư.
Từ trước đến nay khi Việt kiều đầu tư bất động sản trong nước thì họ phải nhờ người khác đứng tên, họ chấp nhận rủi ro khi đầu tư qua người khác. Nay với sự thay đổi về luật sẽ cởi trói về mặt tâm lý trước, gỡ vướng chính sách, giúp Việt kiều có thể thoải mái đầu tư, trực tiếp đứng tên sở hữu nhà đất, khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn.
Ví dụ trước đây một Việt kiều giữ 80% vốn đầu tư bất động sản tại nước ngoài, 20% đầu tư tại Việt Nam, giờ đây họ có thể cân đối lại vốn đầu tư. Cũng theo thống kê của đơn vị này, mỗi năm có khoảng 70 – 80 triệu lượt tìm kiếm mua nhà đất trong nước, trong đó có 5,09% lượt tìm kiếm từ nước ngoài, trong đó có Việt kiều. Trong số Việt kiều tìm mua nhà đất trong nước thì lượng tìm kiếm từ Mỹ chiếm 22%, Singapore 11%, Úc 8%, Đức 6,3%, còn lại là các nước khác.
Giúp bổ sung ngoại hối
Ông Lưu Quang Tiến, phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế – tài chính – bất động sản Dat Xanh Services, cho rằng trong ngắn hạn chưa thể có lượng người mua là Việt kiều tăng đột biến, song khi các văn bản hướng dẫn ban hành, Việt kiều có thể sẽ tăng mua bất động sản tại các dự án. Việt kiều được trực tiếp mua nhà sẽ giúp thị trường sôi động hơn khi nhu cầu tăng lên, bổ sung dòng tiền ngoại hối đổ về Việt Nam.
Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế khẳng định dòng kiều hối đầu tư vào bất động sản trong nước chưa thể tăng nhanh ngay được vì quy định của luật vẫn cần thời gian thẩm thấu ra thị trường, cần 1 – 2 năm để đánh giá. Trong khi đó, các chủ đầu tư cũng sẽ đa dạng hóa chất lượng, chuẩn chỉnh hơn trong xây dựng để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách này.
Ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cũng khẳng định nội hàm quy định cho người gốc Việt được mua nhà đất trong nước khẳng định rất mạnh nhưng tham gia trên thực tế như thế nào cần xem các quy định về mặt trình tự, thủ tục.
Ông Đính dẫn giải thêm trước đây Luật Nhà ở 2014 quy định cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở tại các dự án. Tỉ lệ sở hữu nhà của người nước ngoài tại một tòa chung cư là 30%. Quy định khá rõ ràng nhưng trong suốt 10 năm thực thi luật, số người nước ngoài được đứng tên làm sổ hồng nhà ở vẫn rất ít.
* Ông Lê Văn Bình (vụ phó Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Việt kiều còn quốc tịch được mua bán nhà đất như công dân trong nước
Quy định cho người gốc Việt mua nhà đất ở trong nước của Luật Đất đai 2024 kế thừa quy định của Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 quy định rõ hơn, bổ sung thêm người gốc Việt mà còn quốc tịch Việt Nam thì được đối xử như công dân sinh sống ở trong nước, có quyền tiếp cận đất đai như công dân trong nước. Trường hợp người gốc Việt nhưng không còn quốc tịch Việt Nam thì vẫn giữ quy định như Luật Đất đai 2013 về người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Khoản 2 điều 8 của Luật Nhà ở 2023 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì cần phải có giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở, đó là hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Bên cạnh đó, người Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai.
* Ông Trần Mạnh Chí (phó tổng giám đốc Công ty Đông Tây Property):
Thủ tục thuận tiện, Việt kiều sẽ tăng mua nhà ở Việt Nam
Nhiều năm qua, Việt kiều đã về Việt Nam mua và đầu tư các bất động sản từ chung cư, biệt thự hoặc sản phẩm nghỉ dưỡng… nhưng không được đứng tên, xảy ra những tranh chấp đáng tiếc sau đó. Việc có quy định hành lang pháp lý rõ ràng sẽ giúp thị trường có thêm một nhóm khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, hiện các thủ tục cấp sổ hồng cho Việt kiều vẫn còn khó khăn, do đó cần có những chính sách, hướng dẫn rõ ràng hơn để khâu cấp sổ hồng thuận tiện. Khi đó, Việt kiều mới mạnh dạn đầu tư vào bất động sản bởi họ thấy không còn những rào cản từ quá trình mua cho đến khi cấp sổ, chuyển nhượng hoặc đóng thuế chuyển nhượng.
* Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (giám đốc kinh doanh Phú Đông Group):
Việt kiều mua nhà ở các dự án khoảng 5 – 10%
Từ trước đến nay, tỉ lệ Việt kiều mua trong các dự án bất động sản vẫn duy trì mức tương đối ổn định, từ 5 – 10%, thậm chí có những dự án tốt tỉ lệ này cao hơn. Đa phần Việt kiều sẽ chọn mua những dự án có vị trí đi lại thuận lợi như gần sân bay, trung tâm, các dự án có đầy đủ giấy tờ, tiến độ xây dựng đảm bảo hoặc sắp bàn giao.
Khi luật đã tháo gỡ, Việt kiều sẽ thuận tiện hơn để mua nhà, căn hộ tại Việt Nam để đầu tư, cho thuê hoặc đáp ứng nhu cầu về sinh sống tại quê hương trong tương lai. Đây cũng là nhóm khách hàng tiềm năng trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn.