Theo đó, Geleximco đề xuất Thủ tướng cho phối hợp với Tập đoàn Bokalis (Hà Lan) thực hiện dự án thí điểm thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác cát ngoài khơi tại 3 vùng biển.
Tập đoàn này cũng đề xuất Thủ tướng cho thực hiện dự án chế biến, xử lý cát nhiễm mặn để cung cấp cho các công trình giao thông, xây dựng, trong đó hình thành 3 kho chứa cát chiến lược tại 3 khu vực: cửa sông Thái Bình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; khu vực vịnh Gành Rái, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM; khu vực cửa Định An, thuộc huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
Tại các kho chứa chiến lược, cát biển được chế biến và xử lý nhiễm mặn nhằm đảm bảo chất lượng phù hợp với các quy định về kỹ thuật công trình, bảo vệ môi trường. Cát biển sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn để xây dựng các công trình hạ tầng cấp bách quốc gia.
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng, Tập đoàn Geleximco cam kết nếu được phê duyệt, đề xuất sẽ cung cấp đủ khối lượng cát cho các công trình giao thông, xây dựng tại Việt Nam trong thời gian tới, giải quyết tình trạng thiếu cát hiện nay.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hiện nhiều dự án giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt các dự án cao tốc đang thi công tại miền Tây, TP.HCM, Hà Nội đang thiếu hàng chục triệu m3 cát đắp nền đường.
Trong đó dự án đường vành đai 3 TP.HCM có nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu cát.
Dự án đường cao tốc ven biển Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng đoạn qua Thái Bình, Nam Định thiếu khoảng 10 triệu m3 cát đắp nền.
Các dự án cao tốc đang thi công tại miền Tây như: Cần Thơ – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Cao Lãnh – An Hữu, Mỹ An – Cao Lãnh cũng đang thiếu hàng triệu m³ cát đắp nền đường.
Tập đoàn Geleximco cho biết từ năm 2019 đã hợp tác với một số tập đoàn có kinh nghiệm trong khai thác, xử lý, sử dụng cát nhiễm mặn tại châu Âu, trong đó có Tập đoàn Bokalis để nghiên cứu và nhận chuyển giao công nghệ khai thác biển, sử dụng các tàu hút hiện đại, khai thác theo tuyến, không ảnh hưởng nhiều tới môi trường đáy biển cũng như khu vực ven bờ.
Đối tác Bokalis đang sở hữu công nghệ khai thác, xử lý cát biển phục vụ xây dựng nhiều tuyến cao tốc tại Hà Lan.
Liên quan tới đề xuất của Geleximco, mới đây Bộ Giao thông vận tải đã mời đại diện Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Tập đoàn Geleximco để họp bàn về giải pháp khai thác cát biển ngoài khơi làm vật liệu đắp nền các cao tốc.
Trước đó, việc sử dụng cát biển đắp nền cao tốc đã được thí điểm tại dự án cao tốc Hậu Giang – Cà Mau từ đầu tháng 7-2024.