Đây là cơ chế thường niên được hai bên triển khai đều đặn từ khi thiết lập năm 2012.
Tiếp tục đưa hợp tác giáo dục là trụ cột quan hệ
Tại đối thoại, hai bên nhấn mạnh Việt Nam và Úc chia sẻ nhiều điểm tương đồng, có lòng tin chiến lược cao, là cơ sở quan trọng để phát huy hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực.
Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa trong các lĩnh vực này, phấn đấu đưa hai nước trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều như đã đề ra tại Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế (EEES).
Úc mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, các lĩnh vực công nghệ cao, gia tăng đầu tư vào lĩnh vực điện gió, đa dạng chuỗi cung ứng, đào tạo phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 của Úc.
Việt Nam đánh giá cao Úc đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác thiết thực nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, tiếp tục dành ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực như thúc đẩy bình đẳng giới, biến đổi khí hậu, môi trường và chuyển đổi năng lượng.
Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu các nước có số lượng du học sinh đông nhất tại Úc. Số du học sinh Việt Nam đang học tập hiện tại là hơn 32.000 người. Phần lớn trong số đó là du học sinh theo diện tự túc kinh phí, chỉ một phần nhỏ đi theo các chương trình học bổng.
Trong chuyến thăm Úc vào tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị phía Úc “tăng gấp đôi số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam trong 2-3 năm tới”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Úc tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách visa, bảo đảm điều kiện sống, sinh hoạt, an ninh an toàn cho người Việt Nam sang Úc học tập.
Về giáo dục, Việt Nam và Úc nhất trí tăng cường hợp tác, đưa lĩnh vực này tiếp tục là trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong đó nhất trí tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho giao lưu nhân dân, hỗ trợ hợp tác giữa các địa phương, tăng cường quảng bá văn hóa nhằm nâng cao hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Việt Nam hoan nghênh Úc chia sẻ thông tin về những thay đổi trong chính sách thu hút sinh viên quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Úc.
Đồng thời phía Việt Nam cũng đề nghị Úc tiếp tục tạo điều kiện và không để những chính sách mới này ảnh hưởng đến tiến độ cấp thị thực cho du học sinh Việt Nam tại Úc.
Phối hợp ứng phó thách thức chung
Cũng tại đối thoại, trong bối cảnh cả Việt Nam và Úc cũng như các nước trong khu vực đang đứng trước những thách thức to lớn do căng thẳng địa chính trị gia tăng, hai bên nhất trí cần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và chiến lược hơn nữa trong khuôn khổ quan hệ mới nhằm ứng phó với các thách thức chung.
Hai bên cũng trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm về các vấn đề chiến lược, an ninh khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Úc tái khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, ủng hộ giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Phía Úc cũng khẳng định quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác hiệu quả với Tiểu vùng Mekong thông qua chương trình Đối tác Mekong – Úc (MAP) giai đoạn 2, tập trung vào các lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đào tạo nguồn nhân lực.
Hai bên nhất trí sẽ tổ chức Đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng ngoại giao – Quốc phòng Việt Nam – Úc lần thứ 10 vào thời gian thích hợp tại Úc.