Đến năm 2025, tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có tờ trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch).

Mỗi cơ quan báo chí có thể có nhiều sản phẩm báo chí

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ đến năm 2025, tiếp tục tổ chức, sắp xếp hệ thống báo chí (báo in, tạp chí in, báo điện tử, tạp chí điện tử, phát thanh, truyền hình) theo hướng hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng, trong đó mỗi cơ quan báo chí có thể có nhiều sản phẩm báo chí. Trong đó, có một sản phẩm báo chí chính và có thể có một số sản phẩm báo chí khác.

Các cơ quan bao gồm Đài Truyền hình Việt Nam là Đài Truyền hình Quốc gia. Đài Tiếng nói Việt Nam là Đài Phát thanh Quốc gia. Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn Quốc gia.

Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện.

Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản. Trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các Ban Đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.

Quy hoạch nêu rõ: Bộ, cơ quan ngang bộ có một cơ quan báo và một cơ quan tạp chí (đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa hai cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp còn một cơ quan báo.

Mỗi tổ chức chính trị – xã hội trung ương có một cơ quan báo và một cơ quan tạp chí…

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một cơ quan tạp chí văn học nghệ thuật (những tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành), một đài phát thanh và truyền hình (mỗi đài chỉ có một kênh phát thanh, một kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu). 

Riêng TP.HCM có một đài phát thanh, một đài truyền hình. Đối với Hà Nội và TP HCM, mỗi đài có tối đa hai kênh phát thanh, hai kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.

Tiếp tục xem xét quy hoạch cơ quan báo chí thuộc Hà Nội, TP.HCM

Trong tờ trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch các cơ quan báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg đang gặp khó khăn vướng mắc trong việc sắp xếp các cơ quan báo chí trực thuộc thành phố Hà Nội, TP.HCM và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. 

Cụ thể là theo quy hoạch đến năm 2025, các địa phương, tổ chức này phải hoàn thành việc sắp xếp còn một cơ quan báo. Tuy nhiên, hai địa phương này và Trung ương Đoàn đều nêu những lý do đặc thù riêng và đề nghị được giữ nguyên như hiện tại.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ đã có Tờ trình số 80/TTr-BTTTT báo cáo lãnh đạo Chính phủ về việc triển khai sơ kết thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg. Trên cơ sở kết quả sơ kết. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét quyết định đối với đề xuất sắp xếp các cơ quan báo chí trực thuộc Hà Nội, TP.HCM và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất ý kiến với TP Hà Nội, TP.HCM và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bổ sung nội dung “Đến năm 2025, đối với các trường hợp chưa hoàn thành việc sắp xếp, cơ quan chủ quản tiến hành sơ kết, tổng kết, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định” vào dự thảo Quy hoạch khi tích hợp các nội dung Quyết định số 362/QĐ-TTg.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *