Sở Giao thông vận tải TP.HCM có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải về việc góp ý quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.
Trong đó, sở đề nghị Bộ Giao thông vận tải giao các cơ quan chuyên môn làm rõ nhiều nội dung liên quan tuyến đường sắt Bình Triệu – Sài Gòn, nơi TP.HCM muốn làm metro, còn Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất chạy tàu dạng “xuyên tâm”.
Cần đảm bảo phù hợp giữa các quy hoạch đường sắt
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có định hướng “chuyển đoạn Bình Triệu – Sài Gòn thành đường sắt đô thị sau khi hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam”.
Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, sở này đã đề xuất cho chuyển luôn đoạn Bình Triệu – Sài Gòn thành đường sắt đô thị để kết hợp chỉnh trang đô thị, phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).
Đề xuất này cơ bản đã được chủ tịch UBND TP.HCM thống nhất và giao các sở ngành nghiên cứu cập nhật vào quy hoạch chung TP.HCM. Tuy nhiên, Cục Đường sắt Việt Nam đã nêu quan điểm chưa thống nhất đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM.
Do đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến chính thức về giải pháp để đảm bảo sự phù hợp giữa quy hoạch đường sắt đầu mối với quy hoạch mạng lưới đường sắt để TP.HCM có đủ cơ sở hoàn thiện quy hoạch chung TP.HCM.
Làm rõ tính khả thi của đường sắt “xuyên tâm”
Trên cơ sở đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đề nghị giao Cục Đường sắt Việt Nam làm rõ tính khả thi của việc bố trí đoạn tuyến đường sắt An Bình – Bình Triệu – Sài Gòn – Tân Kiên dài hơn 30km “xuyên tâm” TP.HCM trong quy hoạch đường sắt đầu mối.
Việc giải quyết những ảnh hưởng đến các quy hoạch chi tiết xây dựng mà các quận huyện thuộc TP.HCM đã phản ánh cũng như khả năng sử dụng chung một số hành lang cho cả đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị (theo dự thảo quy hoạch chung TP.HCM) cũng cần được làm rõ.
Ngoài ra, Cục Đường sắt Việt Nam cần làm rõ việc bỏ đề xuất đoạn tuyến Thủ Thiêm – Tân Kiên kết nối giữa hai ga đường sắt đầu mối Thủ Thiêm và Tân Kiên (so với các lần đề xuất trước đây), phương án tổ chức kết nối liên thông các tuyến đường sắt trong toàn mạng lưới khu vực đầu mối TP.HCM, tổ chức liên kết giữa đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đường sắt TP.HCM – Cần Thơ.
Cục Đường sắt Việt Nam và Ban Quản lý dự án đường sắt cần phối hợp chặt chẽ với Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM để nghiên cứu tích hợp các khu vực dự kiến có thể phát triển TOD xung quanh các khu vực ở một số nhà ga.
Nhiều ga thay đổi diện tích
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng đề nghị giao Cục Đường sắt Việt Nam và Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp cập nhật kịp thời kết quả của báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án (đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, đường sắt TP.HCM – Cần Thơ và Thủ Thiêm – Long Thành) đã được TP có ý kiến góp ý chính thức vào quy hoạch đường sắt đầu mối.
Trong đó, các đơn vị lưu ý giải quyết sớm khả năng bố trí depot Long Trường (khoảng 60,5ha). Đồng thời cần làm rõ về quy mô, cấu trúc một số nhà ga có sự thay đổi về quy mô, diện tích.
Cụ thể như ga Tân Kiên từ 75ha thành 105,1ha; ga Sài Gòn từ 6,14ha thành 10,6ha; ga Bình Triệu từ 41ha thành 15,1ha. Ga Thủ Thiêm là 17,2ha không đổi nhưng cần được tích hợp nhiều tuyến đường sắt.