Ngày 29-8, ông Phan Thanh Hải – giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông – cho biết địa phương đã chuẩn bị chu đáo để học sinh toàn tỉnh bước vào năm học mới. Tuy nhiên ngành giáo dục vẫn chưa hết lo về việc thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng.
Không kịp sửa chữa trường học khi năm học mới đã đến
Bước vào năm học mới, Trường tiểu học Lý Tự Trọng (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) vẫn chưa đưa 3 phòng học vào sử dụng do bị hư hỏng nặng, nguy cơ mất an toàn.
Hơn 1 năm trước, mưa lớn khiến đất bị sạt lở, 3 phòng học không thể sử dụng, bờ kè chưa được khắc phục gây mất an toàn. Địa phương đã bố trí 5 tỉ đồng để xây lại phòng học nhưng đến nay thủ tục vẫn chưa xong.
Ông Phạm Ngọc Trịnh – hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Tự Trọng – cho biết để khắc phục, trước mắt trường mượn một số phòng học của trường mẫu giáo bên cạnh, có sửa chữa để học sinh tạm sử dụng đến khi phòng học mới hoàn tất thủ tục, xây dựng hoàn thành.
Tương tự, gần 1 năm trước nhiều hạng mục của Trường THPT huyện Krông Nô (huyện Krông Nô, Đắk Nông) bị sụt lún, sạt lở dẫn tới nứt, gãy nhiều vị trí, nhưng đến nay việc khắc phục chưa xong khi lễ khai giảng năm học mới 2024 – 2025 đã cận kề.
Bà Lê Thị Chung – hiệu trưởng Trường THPT Krông Nô – nói nhiều vết rạn, nứt trên sân bê tông, tường rào, mái ta luy phía sau tòa nhà 3 tầng (12 phòng học) và khu nhà vệ sinh xuất hiện từ tháng 10-2023.
Đầu năm 2024, tỉnh đã được bố trí trên 7 tỉ đồng để khắc phục sạt lở tại dãy nhà nêu trên nhưng tháng 6-2024, Sở Xây dựng Đắk Nông khuyến cáo không nên tiếp tục sử dụng tòa nhà 3 tầng này do nguy cơ mất an toàn.
Năm học mới 2024-2025, nhà trường có khoảng 1.600 học sinh, nếu phải tạm ngưng sử dụng tòa nhà 3 tầng thì sẽ thiếu 12 phòng học. Dự kiến, nhà trường sẽ tổ chức học 2 buổi đối với một số lớp hoặc mượn phòng học của trường khác để dạy học.
Còn tại Trường THCS Chu Văn An (huyện Đắk Mil) có tới 16 phòng phải tạm ngưng sử dụng trong năm học này để đảm bảo an toàn cho học sinh, thầy cô giáo.
Ông Trần Thái Vượng – phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo Đắk Mil – cho biết phòng đã chỉ đạo nhà trường tổ chức học 2 buổi để đảm bảo chương trình giáo dục. Theo ông, năm nay toàn huyện cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng đủ nên phải bố trí cho học sinh học 2 buổi, mượn cơ sở vật chất những trường cạnh đó…
Thiếu hơn 2.100 giáo viên
Cũng theo ông Vượng, năm học này toàn huyện Đắk Mil thiếu hơn 60 giáo viên ở các trường vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn. Thiếu giáo viên nhưng nghịch lý là nhiều trường học phải tiếp nhận học sinh với sĩ số lớp vượt quy định.
Để đảm bảo việc dạy học, ngành giáo dục động viên giáo viên dạy tăng tiết, tăng buổi và địa phương hỗ trợ 2,8 tỉ đồng để hỗ trợ kinh phí dạy thừa giờ.
Ông Phan Thanh Hải – giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông – cho biết, qua thống kê, đến nay ngành giáo dục tỉnh thiếu hơn 2.700 chỉ tiêu biên chế. Trong đó, giáo viên giảng dạy thiếu hơn 2.100 chỉ tiêu; riêng các trường THPT thiếu hơn 1.000 người.
Để tháo gỡ, tỉnh Đắk Nông đã đề nghị các trường rà soát lại nhu cầu thực tế để xem xét điều chuyển các giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, không để tình trạng thiếu giáo viên cục bộ gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Bên cạnh đó, tỉnh cho chủ trương các trường ký hợp đồng với các giáo viên để đảm bảo công tác giảng dạy. Về lâu dài, Đắk Nông đề nghị trung ương xem xét cơ chế đặc thù cho tỉnh, không tinh giản biên chế 10% đối với ngành giáo dục.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, năm học 2024 – 2025, toàn tỉnh có 371 trường học từ mầm non đến giáo dục thường xuyên với hơn 185.000 học sinh, trong đó hơn 60.000 em là dân tộc thiểu số.
Địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học với khoảng 335,6 tỉ đồng, trong đó 324,26 tỉ đồng xây mới phòng học, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất.
Ngành giáo dục còn thực hiện các gói thầu mua sách, vở học sinh dân tộc, thiết bị mầm non, bàn ghế học sinh và bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu, thiết bị chương trình phổ thông mới, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến tổng kinh phí 11,32 tỉ đồng.