Khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành thành phố trực thuộc trung ương từ 2025
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 924/QĐ-TTg công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I.
Theo nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị, quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và Chương trình phát triển đô thị Thừa Thiên Huế, đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương; mô hình đô thị dự kiến với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện.
Khu vực dự kiến thành lập quận: quận Phú Xuân có diện tích 127,05km2, quy mô dân số khoảng 203.142 người của 13 phường thuộc thành phố Huế và quận Thuận Hóa trên cơ sở phần còn lại của thành phố Huế (19 phường), có diện tích 139,41km2 tự nhiên, quy mô dân số khoảng 297.507 người.
3 thị xã gồm Phong Điền, Hương Thủy và Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; 4 huyện gồm Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Sau khi rà soát, đánh giá hiện trạng tỉnh Thừa Thiên Huế theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định, Thừa Thiên Huế đã đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại I trực thuộc trung ương và 2 khu vực dự kiến thành lập quận, các khu vực dự kiến thành lập phường đã đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của quận, phường của đô thị loại I.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Hiện cả nước có 5 thành phố trực thuộc trung ương và có 8 tỉnh thành quy hoạch lên thành phố trực thuộc trung ương.
Sớm quyết định phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành
Văn phòng Chính phủ ngày 30-8 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM – Long Thành thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Phó thủ tướng cho biết đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về hoàn thành các nội dung điều kiện của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), bảo đảm yêu cầu tiến độ, kịp thời báo cáo đề xuất ngay Phó thủ tướng các vướng mắc, chậm trễ, không khả thi, không bảo đảm tiến độ và phương án triển khai.
Tuy nhiên đến nay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chưa thống nhất được với Bộ Tài chính về điều kiện cần thiết bảo đảm phương án tài chính giao VEC làm chủ đầu tư dự án, đặc biệt là 2 vấn đề: (i) tăng vốn điều lệ của VEC, (ii) khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ.
Để sớm quyết định phương án đầu tư dự án, Phó thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương xem xét vướng mắc, gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 5-9 để tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi Thường trực Chính phủ.
Bộ Y tế lý giải nguyên do bệnh viện công lập khó đạt các chứng nhận quốc tế
“Các bệnh viện công lập Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc đạt các chứng nhận quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các bệnh viện cần tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện cải tiến chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân” – chia sẻ của TS Nguyễn Trọng Khoa, phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, trong Hội nghị Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh năm 2024, tổ chức tại TP.HCM ngày 30-8.
Theo ông Khoa, công nhận chất lượng bệnh viện giúp cải thiện chất lượng khám chữa bệnh thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn có thể đạt được; kích thích, cải thiện sự phối hợp và quản lý dịch vụ, tăng cường sự tin cậy của người dân vào chất lượng dịch vụ y tế.
Tại Việt Nam, từ năm 2007 đến nay đã có một số bệnh viện tư nhân đạt chứng nhận chất lượng HAS (Pháp); JCI (Mỹ)…
Nhưng bệnh viện công lập khó đạt các chứng nhận quốc tế hơn các cơ sở y tế tư nhân do nhiều nguyên nhân.
Ở khối các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương dù chất lượng chuyên môn tốt nhưng lại thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải người bệnh. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc đáp ứng các tiêu chí của các chứng nhận quốc tế.
Bệnh viện công lập gặp nhiều khó khăn trong tự chủ tài chính do giá dịch vụ khám, chữa bệnh vẫn chưa được tính đúng, tính đủ. Đây là nguyên nhân khiến cho các bệnh viện không có kinh phí để đầu tư cho chất lượng, dịch vụ để đăng ký tham gia các chứng nhận quốc tế.
Cơ sở hạ tầng của bệnh viện công lập được đầu tư từ trước, khó khắc phục để đạt tiêu chuẩn của các chứng nhận quốc tế. Bệnh viện công thiếu nhân lực chất lượng cao trong khi đang có sự chuyển dịch nhân lực y tế từ khối công lập sang khối tư nhân. Nhân sự ở bệnh viện công cũng thiếu cơ hội được đào tạo bài bản về quản trị bệnh viện, quản lý chất lượng.
Nghiên cứu sửa đổi Luật An toàn thực phẩm
Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Thành Long tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm vừa qua.
Tại phiên họp, các ý kiến cho biết đang gia tăng số vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị; số vụ vi phạm phát hiện được gia tăng dẫn đến tâm lý lo ngại ở người dân về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Phó thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì hoàn thiện cơ chế để bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có nghiên cứu sửa đổi Luật An toàn thực phẩm (đã ban hành trên 10 năm và đã có bất cập).
Giao UBND TP.HCM trên cơ sở quản lý, vận hành mô hình Ban An toàn thực phẩm có đánh giá, đề xuất mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1-12-2024.