Theo bản báo cáo cuối cùng được truyền hình nhà nước Iran IRIB công bố ngày 1-9, tai nạn máy bay trực thăng khiến cố Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tử vong chủ yếu do điều kiện thời tiết xấu, bao gồm sương mù dày đặc.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, một người theo đường lối cứng rắn và được xem là ứng viên tiềm năng để kế nhiệm Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, qua đời khi chiếc trực thăng chở ông gặp nạn vào tháng 5 tại khu vực miền núi gần biên giới Azerbaijan.
“Báo cáo cuối cùng kết luận rằng nguyên nhân chính vụ tai nạn trực thăng là do điều kiện thời tiết phức tạp trong khu vực”, Truyền hình Nhà nước Iran trích nội dung bản báo cáo.
Sương mù dày đặc đã khiến chiếc trực thăng chở ông Raisi cùng các quan chức đâm vào núi, khiến tổng thống và bảy người khác thiệt mạng, đồng thời buộc Iran tổ chức bầu cử.
Ngồi cùng ông Raisi trên trực thăng còn có Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian; thống đốc tỉnh Đông Azerbaijan, ông Malek Rahmati và giáo chủ khu vực Tabriz, tây bắc Iran, ông Mohammad Ali Al-e-Hashem.
Họ đang trên đường trở về sau khi dự lễ khánh thành đập thủy điện hợp tác với Azerbaijan.
Vụ việc dẫn đến nhiều thuyết âm mưu, từ việc cho rằng đây là âm mưu ám sát ông Raisi của Israel, Mỹ mà cả Tel Aviv và Washington đã lên tiếng phủ nhận, cho đến khả năng chiếc trực thăng bị phá hoại.
Trên mạng xã hội X thậm chí còn xôn xao giả thuyết cho rằng chiếc trực thăng đã bị vũ khí quân sự, có thể là thiết bị phát laser từ không gian, cắt làm đôi.
Về mặt kỹ thuật, thông tin ban đầu từ lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thiết bị phát đáp trên chiếc trực thăng sản xuất từ những năm 1960 đã bị tắt hoặc không có.
Điều này phần nào cho thấy tình trạng máy bay nói chung ở Iran đều cũ kỹ và không được bảo dưỡng đầy đủ do các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, báo cáo sơ bộ của quân đội Iran công bố vào tháng 5 đã khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy vụ tai nạn là do bị tấn công.
Tháng 8, Hãng thông tấn Fars đưa tin nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn ngày 19-5 là do điều kiện thời tiết xấu và trực thăng không thể cất cánh khi chở thêm hai hành khách, gây quá tải.
Tuy nhiên khi đó, lực lượng vũ trang Iran đã nhanh chóng bác bỏ thông tin này và nói rằng “những gì được đề cập trên bản tin của Fars về sự hiện diện của hai người trên trực thăng là hoàn toàn sai sự thật”.