Kỳ thi được xác định mục đích để đánh giá đúng kết quả học tập của người học dựa theo yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018, là một cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục của các địa phương trên cả nước và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích: Đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT); lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các cơ sở GDPT và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Giảm số môn thi, giảm buổi thi
Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ chỉ còn 3 buổi thi (kỳ thi năm 2024 có 4 buổi thi). Số môn thi tốt nghiệp cũng giảm. Mỗi thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp sẽ chỉ phải thi 4 môn gồm môn Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn thi vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ – công nghiệp, công nghệ – nông nghiệp, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn).
Về phía học sinh, số môn phải thi giảm so với các kỳ thi gần đây. Nhưng ban đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải xây dựng số đề thi nhiều hơn trước. Trong đó có 2 môn lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT là tin học và công nghệ.
Dự thảo quy chế quy định rõ tiêu chí lựa chọn người tham gia ban đề thi, trách nhiệm và thẩm quyền của người tham gia tổ chức kỳ thi, của thí sinh.
Việc bố trí phòng thi từ năm 2025 có những điều chỉnh để phù hợp với quy định về môn thi và tạo thuận lợi cho thí sinh. Phòng thi được xếp theo bài thi tự chọn. Mỗi thí sinh sẽ chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong cả kỳ thi, không di chuyển theo từng buổi thi như trước.
Dự thảo cũng cho phép các hội đồng thi sắp xếp thí sinh theo hướng trộn thí sinh là học sinh của các cơ sở giáo dục gần nhau để thuận lợi cho thí sinh. Đồng thời, trộn thí sinh là học sinh chương trình giáo dục thường xuyên, thí sinh tốt nghiệp trung cấp, thí sinh tự do (đã học lớp 12 năm trước) với thí sinh là học sinh lớp 12 học chương trình THPT, trong đó số học sinh lớp 12 THPT phải chiếm ít nhất 50%.
Thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp THPT
Một điểm mới nữa trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT có sự điều chỉnh.
Theo đó điểm trung bình môn thi cộng với điểm khuyến khích nếu có chiếm 50%, và điểm trung bình các năm học THPT chiếm 50%, cộng với điểm ưu tiên nếu có.chia 4). Cách tính điểm trung bình năm học sẽ bao gồm tổng điểm trung bình lớp 10×1 cộng với điểm trung bình lớp 11x 2 cộng với điểm trung bình lớp 12x 3 rồi chia cho 6.
Các năm trước cách tính điểm tốt nghiệp theo công thức điểm thi chiếm 70%, điểm học tập chiếm 30% và điểm học tập chỉ sử dụng điểm của năm lớp 12.
Địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ
Theo quy chế, Bộ Giáo dục và đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức kỳ thi, quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt và tình huống bất thường khác. Bộ sẽ cung cấp các hệ thống phần mềm, văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn phục vụ công tác tổ chức thi đảm bảo thống nhất trên toàn quốc.
Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo quy định pháp luật. Bộ quy định cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi.
Bộ tổ chức ra đề thi, hướng dẫn quy trình vận chuyển đề thi từ hội đồng ra đề thi tới các ban in sao đề thi.
Bộ cũng ban hành các quy định, quy trình hướng dẫn chuẩn bị để tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm tại một số địa phương có đủ điều kiện.
Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi, phân tích điểm của các môn thi để đánh giá kết quả kỳ thi.
Theo dự thảo, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương bao gồm các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh kiểm tra việc tổ chức kỳ thi.
Sở Giáo dục và đào tạo các địa phương có trách nhiệm xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh, chỉ đạo tổ chức cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bằng tốt nghiệp THPT, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, giấy chứng nhận kết quả thi khi thí sinh yêu cầu, công bố công khai phổ điểm các môn thi, đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi và điểm trung bình môn học tương ứng năm lớp 12 của các trường phổ thông trong tỉnh, thành phố.