Trung Quốc nắm giữ 32% trữ lượng antimony trên toàn thế giới. Sau nhiều thập niên đầu tư dây chuyền xử lý, tinh chế, quốc gia tỉ dân đang sản xuất đến 48% sản lượng antimony toàn cầu, bỏ xa nước đứng thứ hai là Tajikistan chỉ với 25%.
Á kim quan trọng bậc nhất
Antimony là nguyên tố á kim (hay bán kim loại, loại nguyên tố có một số đặc tính của kim loại và một số đặc tính của phi kim) vốn được nhân loại phát hiện và dùng làm thuốc hoặc mỹ phẩm từ xa xưa.
Ngày nay antimony và các hợp chất của nó được dùng làm chất chống cháy, với khoảng một nửa lượng antimony được tiêu thụ toàn cầu trong năm 2023 là dùng cho mục đích này. Ngoài ra, antimony còn được dùng để sản xuất kính quang điện nhằm cải thiện hiệu suất của pin năng lượng mặt trời hoặc sản xuất ắc quy.
Antimony còn hiện diện trong kính nhìn ban đêm của quân đội, đạn xuyên giáp, tên lửa hồng ngoại và thậm chí là cả vũ khí hạt nhân.
Bộ Nội vụ Mỹ từ lâu đã đưa antimony và các hợp chất liên quan vào danh sách các khoáng chất cực kỳ quan trọng. Từ sau Thế chiến 2, Washington luôn là một trong những nước tiêu thụ antimony hàng đầu và hầu hết dùng cho sản xuất vũ khí.
Dù đang bị kẹt trong mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc nhưng Mỹ vẫn phải “bấm bụng” mua antimony từ nước này, với khoảng 63% lượng antimony Mỹ đang sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ngày 14-8, Bộ Thương mại và Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo sẽ bắt đầu giới hạn việc xuất khẩu từ ngày 15-9 với sáu loại sản phẩm liên quan antimony, bao gồm quặng antimony, tinh quặng, hợp kim, ô xít cũng như công nghệ luyện và tách.
Với các nguyên liệu antimony, nhà xuất khẩu sẽ phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại. Các công ty cũng bị cấm xuất khẩu công nghệ luyện và tách antimony nếu chưa được cấp phép.
Tuy nhiên, hai cơ quan trên không nêu rõ mức giới hạn dự kiến với việc xuất khẩu antimony. Thay vào đó, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ khẳng định Bắc Kinh phản đối bất kỳ quốc gia nào dùng hàng xuất khẩu từ nước này “cho các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”.
Nguồn cung thiếu thốn
Quyết định của Trung Quốc là đòn giáng mạnh vào thị trường nguyên liệu hiếm toàn cầu, vốn đang trong tình trạng “khát” antimony. Tính đến tháng 5-2024, chênh lệch giữa cung và cầu của á kim này đã lên đến 10.000 tấn.
Giá antimony cũng tăng phi mã vài năm qua. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá antimony đã tăng gấp đôi lên mức cao nhất lịch sử 22.000 USD/tấn. Hiện tượng này là do kim ngạch xuất khẩu antimony của Trung Quốc liên tục giảm trong vài năm qua. Năm 2018, Trung Quốc chiếm 41% lượng xuất khẩu antimony toàn cầu thì đến năm 2022 con số này giảm chỉ còn 23%.
Các chuyên gia phụ trách mảng an ninh khoáng chất quan trọng thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định giá antimony có thể còn tăng đến mốc 30.000 USD/tấn thời gian tới, khi người ta tìm cách tích trữ nguyên liệu này.
Việc tìm đến các thị trường cung cấp antimony khác cũng không dễ dàng. Dù á kim này có ở nhiều nước nhưng hầu hết các nước lại chưa đầu tư quy trình khai thác, xử lý và tinh chế antimony đúng mức. Ngay chính Trung Quốc cũng đã phải mất nhiều thập niên để làm chủ được quy trình này. Dù từng khai thác antimony nhưng Mỹ cũng đã đóng cửa toàn bộ các dây chuyền từ hơn 20 năm qua do tác hại với môi trường.
Perpetua, công ty đi đầu trong việc khai thác antimony trở lại ở Mỹ, đã bắt đầu xin cấp phép hoạt động từ năm 2010 và sớm nhất là năm 2028 mới có thể khởi động dây chuyền. Như vậy, ngay cả Mỹ cũng phải tốn đến 18 năm để hoàn thành quá trình này.
Ông Lewis Black, CEO công ty khai thác Almonty, nhận định: “Ba tháng trước không ai trong ngành nghĩ Trung Quốc sẽ làm vậy. Đây là quyết định tương đối đối đầu. Tôi không thể giải thích động thái này và tôi nghĩ nó sẽ ảnh hưởng nhiều bên trong ngành. Các khách hàng không có kế hoạch dự phòng và Trung Quốc nắm rõ điều đó. Chưa từng có kế hoạch dự phòng nào trong 30 năm qua”.
Trong khi đó, ông Christopher Ecclestone, nhà hoạch định chiến lược khai thác mỏ tại Công ty tư vấn tài chính Hallgarten & Company, đánh giá: “Đó không phải chuyện Trung Quốc tắt vòi nước và bạn bật vòi lại. Đó là dấu hiệu của thời đại.
Việc sử dụng antimony trong quân đội giờ như ‘cái đuôi điều khiển con chó’. Ai cũng cần nó để sản xuất nên bên bán thấy cần đầu cơ. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quân đội Mỹ và châu Âu”.
Làn sóng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu hiếm của Trung Quốc
Việc cấm antimony chỉ là động thái mới nhất cho làn sóng hạn chế xuất khẩu nguyên liệu quan trọng của Trung Quốc. Tháng 12-2023, Bắc Kinh cấm xuất khẩu công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm. Trước đó, Trung Quốc cũng cấm xuất khẩu công nghệ khai thác và bóc tách vật liệu quan trọng này.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn siết chặt việc xuất khẩu một số sản phẩm graphite cũng như các sản phẩm liên quan đến gallium và germanium – hai nguyên liệu sản xuất bán dẫn rất quan trọng.