Nhiều cao ốc, chung cư, nhà xưởng, khu công nghiệp cũng tăng dùng các vật liệu xanh, giảm phát thải carbon, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng để đạt các chứng chỉ xanh.
Việc các chủ đầu tư tăng tốc xây dựng các tòa nhà đạt các chứng chỉ xanh với tiêu chuẩn ngặt nghèo cũng đã thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng tại Việt Nam chạy đua sản xuất những vật liệu thân thiện môi trường.
Ra lò nhiều vật liệu giảm phát thải carbon
Một trong những dấu hiệu cho thấy ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi xanh mạnh mẽ là khi nhiều doanh nghiệp cạnh tranh thị phần bằng việc tung ra các dòng sản phẩm xanh và giảm phát thải carbon.
Chẳng hạn như Công ty cổ phần xi măng Fico Tây Ninh vừa đưa ra thị trường dòng xi măng nhãn xanh với mức phát thải chỉ khoảng 350 – 600kg CO₂/tấn, giảm 30 – 70% so với xi măng portland thông thường. Theo tính toán của nhà sản xuất này, cứ 4 bao xi măng nhãn xanh sẽ giúp giảm lượng CO₂ thải ra tương đương với lượng CO₂ của một cây xanh hấp thụ trong một năm.
Ông Nguyễn Công Bảo, giám đốc Công ty cổ phần xi măng Fico Tây Ninh, nói rằng để sản xuất được xi măng xanh, doanh nghiệp phải đầu tư vào dây chuyền tự động hóa và các thiết bị máy móc có hiệu suất cao hơn, đồng thời cũng phải tập trung nghiên cứu phát triển (R&D) để tối ưu hóa chi phí.
“Sản phẩm xi măng xanh không chỉ có mức phát thải thấp mà còn có giá bán cạnh tranh nhờ đầu tư vào tự động hóa, thiết bị hiệu suất cao, nghiên cứu phát triển xi măng có hàm lượng clinker thấp và sử dụng nguyên liệu thay thế, giúp duy trì giá bán ổn định”, ông Bảo nói.
Trong khi đó, Tập đoàn SCG cũng cho ra lò xi măng xanh giảm 20% lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất so với xi măng thông thường. Để đạt được mục tiêu này, nhà sản xuất phải cải thiện quy trình để giảm dùng năng lượng và giảm phát thải carbon. Mỗi tấn xi măng xanh của doanh nghiệp này sẽ giảm phát thải carbon tương đương với lượng CO₂ mà 12 cây hấp thụ trong một năm.
Lãnh đạo Công ty TNHH ngói bê tông SCG thông tin sản phẩm ngói màu SCG đã đạt chứng nhận nhãn xanh Singapore. Đây là thương hiệu ngói bê tông đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận này. Để được chứng nhận là sản phẩm xanh, sản phẩm ngói phải trải qua quá trình kiểm định và đánh giá nghiêm ngặt nhằm đáp ứng các tiêu chí khắt khe về mức độ tác động đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, cũng như vòng đời sản phẩm.
Các doanh nghiệp ngành sơn không nằm ngoài đường đua khi cũng cải tiến công nghệ để cung ứng các dòng sản phẩm xanh. Ông Lê Đông Lâm, tổng giám đốc PPG Việt Nam, cho hay doanh nghiệp này vừa mở rộng nhà máy, cải tiến công nghệ để cung cấp ra thị trường các giải pháp mới phù hợp với nhu cầu ngày càng cao hơn từ khách hàng, đặc biệt là yêu cầu về các sản phẩm xanh.
Theo ông Lâm, các sản phẩm mới không chỉ nâng cao độ bền, thiết kế và chức năng, mà còn giúp các đối tác giảm lượng khí thải carbon với sơn được làm từ vật liệu rất ít hoặc không có dung môi. “Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm có lợi thế về môi trường với lộ trình đến năm 2030, 50% doanh thu đến từ các sản phẩm có lợi thế môi trường”, ông Lâm cho hay.
Làm gì để đạt “chứng chỉ xanh”
Xây dựng các công trình xanh đang trở thành xu hướng của ngành xây dựng Việt Nam, nhất là đối với cao ốc thương mại, tòa nhà văn phòng, nhà xưởng cho thuê khi số lượng các dự án xây dựng xanh ngày càng tăng.
Vào đầu năm sau, tại trung tâm TP.HCM sẽ có thêm một tòa tháp văn phòng, trung tâm thương mại có chiều cao vào loại tốp đầu và đây là cao ốc đạt chứng chỉ xanh của Mỹ: tòa tháp Marina Central Tower đạt chứng chỉ xanh LEED Gold (chứng chỉ của Hội đồng tòa nhà xanh của Mỹ) với các tiêu chí về giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu xanh…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Naved Agha, giám đốc khối phát triển dự án của Masterise Homes (chủ đầu tư tòa nhà Marina Central Tower), cho biết xu hướng bền vững đang phát triển và Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nên doanh nghiệp lấy yếu tố bền vững làm một trong những tôn chỉ trong thiết kế và xây dựng các dự án.
Theo ông Naved Agha, chứng chỉ xanh này tương ứng với việc tòa nhà phải tối ưu hóa không gian cây xanh, hiệu quả năng lượng, bảo tồn nước và giảm thiểu khí thải carbon. Điều này không chỉ có lợi cho môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho các khách thuê thông qua chi phí vận hành thấp hơn.
Cũng ngay trung tâm TP.HCM, hai tòa nhà là The Hallmark và The Mett cũng đạt chứng chỉ xanh khi được trao chứng nhận Green Mark Gold bởi Singapore. Tòa cao ốc văn phòng The Nexus (quận 1) cũng đạt được chứng nhận công trình xanh Edge-Certified. Để đạt chứng chỉ này, tòa nhà phải đảm bảo ít nhất 20% mức giảm tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu…
Đối với lĩnh vực nhà ở, các doanh nghiệp cũng đã xây dựng các tòa nhà thương mại theo các tiêu chuẩn xanh, thậm chí nhà ở xã hội cũng đang được các doanh nghiệp phát triển với xu hướng tăng dùng vật liệu xây dựng xanh.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và xây dựng Phúc Khang, cho hay một công trình xanh đòi hỏi chủ đầu tư phải chỉn chu và tuân thủ một quy trình cũng như các tiêu chí khắt khe ngay từ khâu lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, xây dựng cho đến vận hành và chuyển giao công trình. Ngay cả trong quá trình thi công và vận hành cũng phải xanh để hướng tới các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, sử dụng nước hiệu quả, giảm lượng khí thải CO₂, cải thiện chất lượng môi trường bên trong và ngoài căn hộ.
“Một sản phẩm được đánh giá là công trình xanh không chỉ vượt qua các tiêu chí khắt khe nhằm hướng đến phát triển bền vững, gia tăng tính hiệu quả kinh tế lâu dài cho cư dân sử dụng mà còn đảm bảo các yếu tố về thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, bà Mẫu nói.
55% dự án xây dựng xanh đến từ ngành công nghiệp
Ông Hardy Diec, giám đốc điều hành Tập đoàn KCN Việt Nam, cho biết xu hướng khu công nghiệp xanh được nhà đầu tư FDI quan tâm, do đó các khu công nghiệp cần chú trọng môi trường xanh, quan tâm đến ESG, giảm phát thải carbon…
Mới đây Tập đoàn KCN Việt Nam đã khởi động xây dựng giai đoạn 2 dự án nhà kho, kho xưởng hỗn hợp xây sẵn tại Khu công nghiệp DEEP C – Hải Phòng, dự kiến vận hành ở quý 1-2025. Để thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới, chủ đầu tư đã áp dụng các tiêu chuẩn về công trình xanh, trong đó dự án sẽ đạt chứng chỉ LEED bạc của Mỹ. “Việc phát triển dựa trên những quy chuẩn chặt chẽ về phát triển bền vững, dự án không những giúp địa phương thu hút vốn FDI mà còn đồng hành với doanh nghiệp trên hành trình phát triển bền vững”, ông Hardy Diec nói.
Còn bà Lê Thị Huyền Trang, giám đốc cấp cao JLL Việt Nam, nói trong số các công trình đạt các chứng chỉ xanh tại Việt Nam, thị trường công nghiệp đang dẫn đầu. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Bộ Xây dựng và Tổ chức tài chính IFC, phần lớn dự án xanh là các dự án công nghiệp với 55% dự án xây dựng xanh ở Việt Nam đến từ ngành công nghiệp. Dữ liệu về các dự án đạt chứng nhận LEED trong năm 2023 cũng cho thấy rằng hơn 70% dự án đạt chứng nhận thuộc nhóm công trình công nghiệp gồm nhà máy và nhà kho. Đồng thời 38% các dự án đạt chứng nhận EDGE trong năm trước cũng thuộc ngành công nghiệp.
Chi phí cao nhưng lợi ích lâu dài
Ông Vũ Linh Quang, thành viên ban giám đốc Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, cho biết hiện có gần 500 tòa nhà, công trình với tổng diện tích gần 11,5 triệu m² đạt các chứng nhận xanh, phổ biến là chứng chỉ EDGE (tỉ lệ theo dự án là 44%), LEED (37%) và Green Mark (11%).
Theo ông Quang, mỗi loại chứng chỉ sẽ có nhiều cấp và yêu cầu khác nhau. “Tùy theo chức năng và quy mô công trình, chi phí có thể tăng 1-3%, có khi 5-6% khi áp dụng các tiêu chí cấp cao của LEED. Nhưng theo thời gian, các chi phí này sẽ thấp dần do cải tiến kỹ thuật, thiết kế thi công, tăng cường mảng xanh, không gian sống của tòa nhà”, ông Quang nói.
Tuy chi phí xây dựng có thể tăng, song ông Quang cho rằng về lâu dài các công trình xanh sẽ mang lại lợi ích như tiết kiệm chi phí vận hành, tiết kiệm nước, năng lượng, giảm ô nhiễm tiếng ồn, rút ngắn thời gian hoàn vốn công trình… Do đó ông Quang nhận định xu hướng xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn sôi động với đa dạng các phân khúc công trình đang áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam.
Ông Naved Agha cho rằng các dự án xanh có thể gia tăng chi phí do dùng vật liệu chuyên dụng, công nghệ tiên tiến và tích hợp các nguyên tắc thiết kế bền vững. Tuy vậy, trong dài hạn chi phí sẽ được tối ưu hóa nhờ hiệu quả năng lượng của tòa nhà, từ đó cắt giảm chi phí vận hành. Bên cạnh đó là những lợi ích về mặt sức khỏe và hiệu suất làm việc cho doanh nghiệp.
Tổng giám đốc một nhà thầu lớn tại TP.HCM cũng đánh giá do sử dụng các vật liệu xanh, ít phát thải nên phần lớn các công trình cũng có mức chi phí cao hơn các công trình thông thường. “Chi phí xây dựng các tòa nhà sẽ đội lên, song về lợi ích lâu dài thì các tòa nhà xanh sẽ đáp ứng một số mục tiêu về môi trường và chi phí cho người thuê, người mua” – vị này nói và cho rằng đến một thời điểm các vật liệu xanh, công trình xanh phát triển đại trà, giá các chi phí sẽ giảm đi, kéo chi phí xây dựng tòa nhà xanh không còn cao như hiện nay.
Công nghệ sẽ quyết định chi phí công trình xanh
Ông Đồng Mai Lâm, tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, cho rằng 80% lượng phát thải carbon đến từ việc sử dụng năng lượng, do đó để giải quyết lượng phát thải carbon đến từ việc sử dụng năng lượng trong các công trình thì công nghệ chính là chìa khóa với khả năng loại bỏ 70% phát thải CO2.
Theo ông Lâm, doanh nghiệp này đã đồng hành với WEF giới thiệu khung giá trị cho tòa nhà xanh. Trong đó doanh nghiệp xác định giá trị của tòa nhà xanh một cách toàn diện từ những giá trị kinh tế hữu hình như tiết kiệm chi phí vận hành, giá trị bất động sản và giá cho thuê gia tăng đến những giá trị vô hình như hình ảnh doanh nghiệp, lợi thế cạnh tranh, phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng trong hiện tại và tương lai… Hệ giá trị này sẽ tác động mạnh mẽ đến quyết định đầu tư vào tòa nhà bền vững.
Với các tòa nhà văn phòng đã xây, ông Lâm cho hay nếu đầu tư cải tạo hệ thống quản lý tòa nhà, quản lý năng lượng, pin mặt trời… thời gian hoàn vốn từ tiết kiệm chi phí vận hành khoảng 10 năm và chưa tính đến các giá trị như giá cho thuê tăng lên, giá trị thương hiệu, giá trị bất động sản tăng thêm…
Còn với các tòa nhà xây mới, chi phí đầu tư ban đầu cho một tòa nhà xanh cao hơn khoảng 4 – 6% so với tòa nhà thông thường. Mức này có thể giảm xuống dưới 4% vào năm 2030 khi công nghệ phát triển hơn. “Đây là một mức hoàn toàn có thể chấp nhận được so với giá trị mang lại của một tòa nhà xanh”, ông Lâm nói.