Tại Khánh Hòa hồi tháng 3-2024 đã phát hiện ca bệnh đầu tiên trong năm nay tử vong do cúm A/H5N1, trong đó bệnh nhân đã tiếp xúc với chim hoang dã trước và sau khi phát bệnh.
“Chặt mỏ rồi thì không ai nhận ra chim gì mà phạt”
Thịt chim hoang dã được bày bán tràn lan trên mạng xã hội – Ảnh chụp màn hình
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “mua chim phóng sinh, thịt chim trời” là hàng trăm bài viết rao bán từ cò, vịt rừng, vạc… với đủ loại giá khác nhau.
Phóng viên liên hệ một chủ tài khoản có tên là N.Đ.K. (giới thiệu là ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) thì được người này cho hay chim rừng thì không thể có quanh năm mà phải ăn theo mùa. Mùa nào có chim gì thì bắt chim ấy. Để “né” cơ quan chức năng phát hiện, một số loại chim như vạc, cò sẽ bị chặt mỏ.
“Chặt mỏ rồi thì không ai nhận ra con gì mà phạt. Chim rừng, muốn mua nhiều đôi khi cũng không có. Em còn 1 chim diệc , 3 chim cói làm sẵn, bán tất cả 600.000 đồng”, K. giới thiệu.
Còn chim phóng sinh cũng bán buôn nhộn nhịp không kém. Ngoài các cửa hàng chim cảnh, nhiều người bán còn chở các lồng chim dạo khắp các cung đường tại TP Nha Trang.
Bà Tr., chủ cửa hàng chim cảnh trên một con đường ở nội thành TP Nha Trang, cho hay chim phóng sinh có đủ loại như chim sẻ, cu đất, bồ câu… khách muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có.
“Chim sẻ giá 10.000 đồng/con, cu đất thì 50.000 đồng/con… Mua số lượng nhiều sẽ được chiết khấu giá”, bà Tr. trả lời khách.
Ngoài chim hoang dã, chim yến nuôi cũng bị săn bắt với mục đích làm chim phóng sinh hoặc bán cho các quán nhậu.
“Buổi tối là thời điểm chim yến quay về sau 1 ngày đi săn mồi. Tối tối tôi kiểm tra thấy nhiều tổ mất chim bố mẹ.
“Trước đây quanh khu vực nhà cũng có nhiều người giăng lưới bắt chim, tôi cũng báo lên chính quyền và đội chống săn bắt chim yến. Nhưng kiểm tra chỗ này họ lại đi chỗ khác để nhử bắt chim, rất đau lòng”, ông Lê Văn Tám, người nuôi yến ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang bộc bạch.
Theo ông Phạm Duy Khiêm – phó chủ tịch Hiệp hội Yến sào Việt Nam – cho hay chim yến khi bị bẫy thường được bán làm mồi nhậu hoặc bán phóng sinh, nhưng đa số khi thả ra sẽ chết hơn 50%.
Nguy cơ dịch bệnh từ tiếp xúc, ăn thịt chim hoang dã
Ông Tôn Thất Toàn – phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa – cho hay chim hoang dã có đặc tính di cư nên rất khó kiểm soát mầm bệnh, cũng như truy vết khi lây lan dịch bệnh.
Chim có thể đào thải vi rút theo đường miệng và phân, do đó làm tăng tính lan truyền theo các đàn chim di cư. Từ đó vi rút có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gia cầm sang người.
“Không nên tiếp xúc, sử dụng các sản phẩm từ chim hoang dã vì chúng mang nhiều vi rút, ký sinh trùng. Săn bắt chim, động vật hoang dã là vi phạm, vì vậy người dân không được săn bắt với bất kỳ hình thức nào, đây cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng”, ông Toàn nói.
Theo các nghị định 35/2019/NĐ-CP và 07/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung nghị định 35/2019/NĐ-CP) của Chính phủ, mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân).
Hành vi quảng cáo kinh doanh trái phép các loài chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) cũng có thể bị xử phạt từ 1 – 1, 5 triệu đồng.