Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 126 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8-2024.
Đối với dự án Luật Nhà giáo, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhà giáo được nêu tại các văn kiện của Đảng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Trong đó, cần khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; bảo đảm tính kế thừa, tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà giáo với các luật khác có liên quan.
Chính phủ lưu ý tới Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xây dựng dự án luật này cần lưu ý, bám sát và thể hiện rõ các chính sách đã được Chính phủ thông qua về đề nghị xây dựng luật.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định có liên quan, kế thừa quy định mang tính hiệu quả, bổ sung các nội dung mới để xử lý bất cập, vướng mắc. Đặc biệt là những bài học từ công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo, có nguồn lực thực hiện.
Giảm tối thiểu những việc làm cụ thể không phải quản lý nhà nước; tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức, nhưng cần kế thừa các quy định còn phù hợp với đặc thù nghề dạy học của luật này.
Đặc biệt, cần quy định cụ thể các chính sách đặc thù đối với nhà giáo, như ngoài lương cơ sở, phụ cấp là cao nhất theo kết luận 91 của Bộ Chính trị về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thì cần thiết kế thêm các chính sách hỗ trợ, thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, người có tâm huyết giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp với nguồn lực.
Dự thảo cũng cần làm rõ đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo theo từng cấp học, trình độ đào tạo và phương thức đào tạo có tính đến yếu tố đặc thù; phân cấp, phân quyền mạnh trong hệ thống, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.
Giảm tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của các cấp, các ngành, của giáo viên, của người dân; tăng cường hợp tác công tư trong đào tạo đội ngũ nhà giáo. Khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng đối với đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo được tự do hành nghề…
Nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
Đối với dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu nghiên cứu bảo đảm cơ sở thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; sử dụng hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý thu…
Giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho việc thu thuế và nộp thuế, nâng cao ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ người nộp thuế, chống thất thu thuế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…
Đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ đề nghị cần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Phân định rõ trách nhiệm của từng chủ thể khi tham gia thực hiện quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phân định rõ giữa quản lý nhà nước với quản lý vốn nhà nước.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với nâng cao năng lực thực thi, phân bổ nguồn lực có hiệu quả; quy định cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của từng cấp quản lý. Đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý doanh nghiệp theo mục tiêu tổng thể, không theo từng dự án.
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp; tập trung vào quy định quản lý và đầu tư hiệu quả nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để tạo cơ chế thông thoáng, thay vì hạn chế quyền của doanh nghiệp nhà nước trong việc đầu tư, góp vốn để sản xuất, kinh doanh…