Theo tạp chí Nikkei Asia, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn đang hiện rất rõ đối với nền kinh tế Indonesia.
Số liệu của Cơ quan Thống kê trung ương nước này (BPS) cho thấy trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2024, tỉ lệ của tầng lớp trung lưu trong dân số nước này đã giảm từ 21,4% còn 17,1%.
Trong khi đó tỉ lệ nhóm dân “tiềm năng trung lưu” tăng nhẹ từ 48,2% lên 49,2%. Nhóm người dân dễ bị tổn thương cũng tăng mạnh từ 20,6% lên 24,2% trong cùng giai đoạn.
Xét theo giá trị tuyệt đối, tầng lớp trung lưu Indonesia đã giảm đến 9,5 triệu người so với trước đại dịch.
Quyền lãnh đạo BPS, bà Amalia Adininggar Widyasanti nhận định: “Đây là ‘hội chứng hậu COVID’ của nền kinh tế, là hậu quả tiêu cực đối với kinh tế do đại dịch để lại. Tầng lớp trung lưu rất quan trọng vì họ là những người thúc đẩy kinh tế quốc dân. Họ chi mạnh và chi nhanh”.
Định nghĩa tầng lớp trung lưu của Indonesia giống với Ngân hàng Thế giới, tức là những người chi tiêu trong khoảng từ gấp 3,5 lần đến gấp 17 lần ngưỡng nghèo.
Ngưỡng nghèo ở Indonesia hiện nay là thu nhập ròng hằng tháng từ 582.993 rupiah (37,64 USD) trở xuống. Điều này đồng nghĩa tầng lớp trung lưu nước này là những người chi tiêu tháng từ 130 – 640 USD.
Ông Mulyawan Ahmad, sinh sống thành phố Đông Jakarta, tự nhận mình là một trong những nạn nhân của “nền kinh tế mắc hậu COVID”. Năm 2020, đỉnh điểm của đại dịch, ông mất công việc là chuyên gia công nghệ thông tin tại một trong những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu thế giới.
Đến nay, ông vẫn chưa thể tìm một công việc toàn thời gian và phải phụ thuộc vào việc lao động tự do để mưu sinh và trả nợ ngân hàng.
“Lúc mới bị sa thải, tôi không ngờ mọi thứ sẽ trở nên đắt đỏ như vậy trong những năm tới”, ông Ahmad chia sẻ. Thu nhập của ông hiện chỉ bằng 1/3 thu nhập thời còn làm việc toàn thời gian.
Ông Fithra Faisal Hastiadi, nhà kinh tế cao cấp tại Công ty chứng khoán Samuel Sekuritas, cho rằng việc tầng lớp trung lưu sụt giảm một phần là do chính phủ chỉ tập trung vào nhóm 20% người nghèo nhất và 10% người giàu nhất trên cả nước.
Ông Hastiadi giải thích: “Tầng lớp trung lưu không đủ nghèo để nhận trợ cấp xã hội, nhưng cũng không đáp ứng yêu cầu để hưởng ưu đãi thuế trong các giao dịch giá trị cao như mua xe điện, bất động sản.
Hậu quả kéo dài của đại dịch đã tạo ra sự dịch chuyển trong cơ cấu việc làm từ những công việc chính thức sang phi chính thức. Người dân kiếm được ít tiền hơn trước kia, dù cho tỉ lệ thất nghiệp đang cải thiện. Tầng lớp trung lưu cảm thấy công việc của mình đang không đủ để bắt kịp đà tăng của giá cả”.
Kinh tế Indonesia vẫn phát triển mạnh
Bất chấp việc tầng lớp trung lưu giảm về số lượng, nền kinh tế Indonesia vẫn tiếp tục tăng trưởng khả quan. Nước này tăng trưởng trên 5% trong hai năm 2022 và 2023 và dự kiến sẽ duy trì chuỗi này trong năm 2024.
Bà Widyasanti cũng tin rằng hậu quả đại dịch sẽ không kéo dài lâu vì “chính phủ sẽ triển khai các chính sách giúp nền kinh tế phục hồi về mốc trước đại dịch”.
Trong cuộc họp với các nhà kinh tế kỳ cựu hồi tuần trước, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto ghi nhận tầm quan trọng của tầng lớp trung lưu. Tầng lớp này cùng nhóm “tiềm năng trung lưu” đang chiếm đến 81,49% tiêu dùng GDP.