Thị trường chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ 2-9 diễn biến khá thất vọng, dù trong nước không có thông tin tiêu cực nào xuất hiện. Kết tuần trước, VN-Index dừng ở 1.274 điểm, với áp lực bán vẫn còn mạnh.
Rủi ro với thị trường chứng khoán trung hạn đã giảm mạnh, dòng tiền vẫn thận trọng
* Ông Đoàn Minh Tuấn – trưởng phòng nghiên cứu và phân tích FIDT:
– Khối ngoại và tự doanh quay trở lại bán rất mạnh tuần qua, khiến lượng cung chốt lời tăng đột biến trong ngắn hạn, mất cân bằng cung cầu tại vùng kháng cự 1.280 – 1.300 điểm.
Tâm lý chốt lời từ khối ngoại và tự doanh phát sinh sau khi công bố tỉ lệ thất nghiệp khá xấu tại Mỹ. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro toàn cầu chỉ mang tính tâm lý ngắn hạn, chưa ảnh hưởng cụ thể đến Việt Nam.
Sang tuần mới, chúng tôi dự đoán nhịp điều chỉnh sẽ tương đối nhẹ, hỗ trợ mục tiêu vùng 1.240 – 1.250. Dòng tiền chờ đợi bắt đáy ở vùng này dự kiến cao, với kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế chung và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tích cực trong nửa cuối năm 2024.
Rủi ro vĩ mô đối với thị trường chứng khoán Việt Nam giảm rất mạnh trung hạn. Cũng chưa thấy có khả năng xuất hiện rủi ro khác nào đáng chú ý.
Trong khi rủi ro tỉ giá hạ nhiệt, đồng VND mạnh lên rất nhanh, có thể dẫn đến sự đảo chiều dòng đầu tư khối ngoại.
Chúng tôi dự báo VN-Index điều chỉnh kỹ thuật về khu vực mục tiêu 1.240 – 1.250 (hoặc cao hơn), nhằm tích lũy cho một xu hướng tăng trung hạn khoảng 1.340 – 1.360.
Nhịp điều chỉnh hiện tại chủ yếu vẫn do áp lực tin tức xấu từ toàn cầu, cùng với áp lực chốt lời tại vùng kháng cự 1.280 – 1.300.
Vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh, tâm lý thận trọng sẽ được cởi bỏ
* Ông Bùi Văn Huy, giám đốc Chứng khoán DSC chi nhánh TP.HCM:
– Thị trường đang ở giai đoạn thiếu thông tin hỗ trợ ngắn hạn. Đà phục hồi dù có nhưng mức độ lan tỏa kém, chỉ tập trung ở một số nhóm cổ phiếu nhất định.
Việc thị trường điều chỉnh quanh vùng kháng cự, dưới tác động thông tin thị trường thế giới là điều khó tránh.
Nhìn chung các số liệu vĩ mô tháng 8 vừa công bố vẫn cho thấy những điểm tích cực và chưa có gì để quá lo lắng. Câu chuyện nâng hạng từ FTSE vẫn được kỳ vọng trong thời gian tới.
Triển vọng trung hạn của thị trường chứng khoán vẫn cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, ngắn hạn, thị trường sẽ thiên về kịch bản điều chỉnh, tích lũy tuần này.
Hỗ trợ quan trọng của thị trường là vùng 1.250 – 1.260 điểm. Vùng tích lũy này sẽ là cơ hội tái cơ cấu danh mục với nhà đầu tư đã có vị thế, trong khi đó là nhịp chỉnh có thể là cơ hội tham gia với nhà đầu tư bị bỏ lỡ đợt tạo đáy vừa qua.
Khi thị trường kéo vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng như 1.300, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mới hút được dòng tiền.
Thấp thỏm chờ nâng hạng, hơn 1,5 triệu tỉ chờ “bơm” vào nền kinh tế
* Bà Nguyễn Thị Phương Lam – giám đốc phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC):
– Tâm điểm của giới đầu tư toàn cầu sẽ hướng về cuộc họp diễn ra từ ngày 17 đến 18-9 khi Fed khả năng cao sẽ kết thúc thời kỳ thắt chặt tiền tệ bằng quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau bốn năm.
Xu hướng đồng USD yếu sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để nhà điều hành thực thi những chính sách hỗ trợ nhằm duy trì một mặt bằng lãi suất thấp, kích thích đầu tư và tiêu dùng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao (6-7%) trong bối cảnh dư địa tài khóa và tiền tệ trong phần còn lại của năm là rất lớn.
Theo ước tính giải ngân đầu tư công đạt 31,6% kế hoạch năm và giải ngân thêm 530.000 tỉ đồng. Tín dụng 8 tháng đầu năm 2024 tăng 6,25% và có thể có thêm 1 triệu tỉ đồng bơm vào nền kinh tế để đạt mục tiêu 15%.
Ngoài ra, Việt Nam vẫn thuộc danh sách theo dõi để có thể nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp theo đánh giá của FTSE Russell trong kỳ đánh giá phân hạng tháng 9 hằng năm.
Ủy ban Chứng khoán đăng tải dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung giải pháp mua chứng khoán mà không cần có đủ 100% tiền trên tài khoản (Pre-funding) và tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có quyền tiếp cận thông tin bình đẳng. Dẫu vậy, giải pháp trên chưa chính thức có hiệu lực.
Cơ hội được FTSE Russell chấp thuận nâng hạng trong năm 2025 sẽ khả thi hơn khi thông tư trên chính thức được ban hành và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có những nhận xét tích cực trong quá trình sử dụng pre-funding (ký quỹ trước khi giao dịch).