“Hy vọng mong manh lắm”
Có mặt tại khu vực cầu Phong Châu ngay khi có thông tin cầu sập, bà Dương Thị Hoa đứng ngồi không yên, thi thoảng lại hỏi lực lượng chức năng tìm kiếm cứu nạn về việc đã trục vớt, cứu được em trai chưa.
Bà Hoa nói em trai tên Cường, 44 tuổi, làm nghề lái xe lâu năm. “Chắc chắn là em ấy đã bị rơi xuống cầu rồi, video đã ghi lại, định vị xe cũng đã xác định xe ở dưới cầu. Bây giờ không biết em ấy ra sao”, bà Hoa kể trong tiếng khóc nấc.
Nghẹn lại, bà Hoa nói tiếp chiếc xe ben chở vật liệu xây dựng mà camera hành trình ô tô ghi lại là xe của em trai bà.
“Vợ nó xem xong đã khóc ngất, đang ở trung tâm y tế gần nhà. Anh em họ hàng đã ở đây hết, mong chờ có một phép màu xảy ra. Nhưng chúng tôi cũng biết hy vọng ấy mong manh lắm”, bà Hoa nói.
Nạn nhân thoát chết vụ sập cầu Phong Châu: Bơi một đoạn thì vớ được cây chuối và kêu cứu
Còn chị Hồng cùng cậu con trai ngồi thất thần gần khu vực cầu Phong Châu, chốc chốc chị lại nghe điện thoại, thông báo tình hình cho người nhà. Chị nói chị Yến, là chị dâu chị đã gặp nạn khi cầu sập.
“Chị Yến có 3 con nhỏ, chị thường đi chợ buôn bán nhỏ. Bình thường ngày nào chị cũng phải đi qua cầu Phong Châu để đi chợ. Lúc chúng tôi nghe tin cầu sập đã nhanh chóng gọi cho chị Yến nhưng thấy tắt máy.
Tôi gọi cho các bạn cùng buôn bán ở chợ cho chị ấy cũng không được, gọi cho gia đình cũng không được.
Nghĩ chuyện chẳng lành nên tôi đi xe vòng qua bên này cầu để nghe ngóng. Qua video ghi lại được thì tôi đã thấy hình ảnh của chị đang đi trên cầu khi cầu sập. Đau xót quá”, chị Hồng nghẹn lại, nước mắt giàn giụa.
Chị Hồng nói chắc chẳng còn hy vọng gì nữa, nước lũ đang về mạnh quá. “Hy vọng đấy, nhưng nước lũ chảy xiết, chị lại là con gái yếu ớt, sao có thể qua khỏi. Còn 3 con nhỏ của chị giờ phải làm sao”, chị Hồng nức nở.
Hội chẩn trực tuyến cấp cứu ba nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, hiện có ba bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu, trong đó có một trường hợp chấn thương nặng là nam bệnh nhân 40 tuổi đi xe máy trên cầu, ngã rơi xuống nước do cầu sập, trôi xuôi dòng về Hưng Hóa dạt vào bờ được người dân vớt lên.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau đầu, vết thương rộng cẳng chân trái 14-16cm, dị vật cát bẩn, dập nát, xẹp phổi nhỏ ở thùy dưới phổi phải.
Bệnh nhân đã được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn liên chuyên khoa, hướng dẫn đội ngũ bác sĩ tuyến dưới xử trí các tổn thương cho người bệnh, tiếp tục theo dõi và có các phương án điều trị về thần kinh, tim mạch lồng ngực, chấn thương, tiêu hóa…
Ngoài ra có hai bệnh nhân khác đến viện trong tình trạng xây xước nhẹ cũng đang tiếp tục được theo dõi và động viên tinh thần tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.
Bệnh viện sẽ đảm bảo đường truyền telemedicine được kết nối thông suốt giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với các điểm cầu tại Phú Thọ gồm Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, Trung tâm Y tế Lâm Thao, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ để kịp thời hội chẩn tư vấn, hỗ trợ xử trí qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa.
10 xe rơi xuống sông, 13 người mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ
Theo ông Hà Ngọc Anh, Trung tâm y tế huyện Tam Nông, khoảng 10h30 đơn vị nhận thông tin sập cầu Phong Châu. Ngay sau đó, đơn vị đã huy động hai xe cứu thương cùng đội ngũ y bác sỹ có mặt tại hiện trường.
Tại hiện trường, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông tiếp nhận hai nạn nhân và đưa về đơn vị điều trị. Đến nay, sức khoẻ của hai nạn nhân này cơ bản ổn định.
Đến khoảng 10h45, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông tiếp nhận thêm nạn nhân Nguyễn Trường Sơn (trú huyện Tam Nông, Phú Thọ).
“Trong lúc cầu sập, anh Sơn đi xe máy bị rơi xuống sông Hồng. Trong lúc đang bơi trên sông, anh Sơn bám vào được cây chuối rồi được người dân đi thuyền ra cứu giúp. Hiện anh Sơn sức khoẻ ổn định”, ông Ngọc Anh thông tin.
Như vậy đến nay xác định có năm người đã được cứu trong vụ sập cầu.
Mong một phép màu đến với nữ sinh ở Đắk Nông
Ngồi mong tin cháu gái từ 11h trưa tại hiện trường sập cầu Châu Phong, bà Đinh Thị Mai (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết sáng nay cháu ruột của bà đang là một trong những nạn nhân của vụ sập cầu Phong Châu, hiện vẫn chưa tìm thấy cháu.
Bà Mai cho biết cháu gái bà là Nguyễn Hà Chi, 19 tuổi, ở Đắk Nông mới về Phú Thọ (quê nội) chơi được mấy ngày, đến sáng nay, cháu được một người bạn ở huyện Tam Nông qua đón đi thành phố Việt Trì chơi lúc 9h sáng để hôm sau về lại Đà Nẵng học tập.
Đến khoảng hơn 10h, bà Mai lên mạng thì thấy có thông tin cầu Phong Châu bị sập. “Lúc này tôi liền linh cảm và gọi điện cho cháu hỏi xem cháu đã đi qua cầu chưa nhưng điện thoại của cháu đã không thể liên lạc được cho đến bây giờ vẫn không có tín hiệu, bạn đi cùng cháu cũng vậy”, bà Mai nghẹn ngào nói.
Theo bà Mai, khi được xem camera hành trình từ công an cung cấp xác định 95% cháu bị ngã xuống lúc sập cầu.
“Tôi hy vọng phép màu sẽ xảy ra với cháu, mong cháu sẽ trôi dạt được vào đâu và được người dân vớt được cháu, tôi chỉ mong như thế. Hiện mẹ của chi cũng đang bay từ miền Nam ra, gia đình em gái tôi cũng đã rất sốc. Giờ tôi chẳng biết làm gì ngoài chờ đợi một phép màu”, bà Mai nói.
Khoảng 14h30 bà Đinh Thị Liên, 47 tuổi, huyện Tam Nông (Phú Thọ) nghẹn ngào vừa khóc vừa chạy đến hiện trường vụ sập cầu Phong Châu để khai báo thông tin con gái mất tích.
Con gái chị Liên là Nguyễn Thị Lan, 19 tuổi.
Chị Liên cho biết sáng nay con gái đi cùng bạn trên xe Vision màu đỏ mận qua cầu Phong Châu.
Khi xem video vụ sập cầu, chị Liên đã nhận ra chiếc xe của nhà mình bị rơi trong khoảnh khắc cầu sập.
Khi tới hiện trường khai báo thông tin nạn nhân với công an, công an xác nhận khi check camera lúc cầu sập có hình ảnh chiếc xe Vision mùa đỏ mận có hai nữ lai nhau, xe và người đã bị rơi.
“Khi đi con đi với bạn. Bây giờ tôi chỉ mong muốn tìm được con về thôi”, chị Liên vừa khóc vừa nói.
Khoảng 10h sáng nay 9-9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ đã bị sập.
Theo ông Hùng, có thể có người và phương tiện bị rơi xuống sông khi cầu sập nên các lực lượng chức năng của địa phương đang tập trung tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp.