Theo Hãng tin Sputnik, ngày 9-9 (giờ địa phương), Viện nghiên cứu chính trị và kinh tế Schiller (Đức) đăng bài phỏng vấn với cựu đại sứ Mỹ tại Liên Xô Jack Matlock. Thời điểm thực hiện phỏng vấn là ngày 3-9.
Ông Matlock là một trong những nhà ngoại giao lão làng của Mỹ trong quan hệ với Liên Xô – Nga. Ông là đại sứ Mỹ tại Liên Xô cuối cùng, hoạt động tại Matxcơva từ năm 1987 đến tháng 8-1991.
Tại buổi phỏng vấn, ông Matlock đã đưa ra nhiều cảnh báo về những chính sách Mỹ đang theo đuổi trong quan hệ ngoại giao với Nga, trong đó có vấn đề chiến tranh Ukraine.
Ông Matlock khẳng định: “Theo tôi sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu cố gắng theo đuổi một cuộc chiến không tuyên bố chống lại một cường quốc hạt nhân đang cảm thấy chủ quyền và tồn tại chính trị của mình bị đe dọa”.
Cựu đại sứ Mỹ nhận định sai lầm từ nỗ lực trên của Washington có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga.
Ông Matlock cũng nêu quan điểm Nga sẽ không triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine nếu Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đảm bảo sẽ không kết nạp Kiev.
Tuy nhiên, Washington đã “toàn tâm quá mức” vào các vấn đề quốc tế khi thổi bùng “cuộc chiến tranh quân sự và kinh tế trên thực tế” với Nga, hỗ trợ các hành động của Israel tại Trung Đông và chuẩn bị một cuộc chiến với Nga.
Điều đó dẫn đến tình hình kém bền vững về cả kinh tế lẫn quân sự và người Mỹ sẽ không ủng hộ việc chính quyền trực tiếp liên quan vào cuộc xung đột như thế, ông Matlock nhận định.
Đại sứ Mỹ cuối cùng tại Liên Xô cũng đánh giá: “Quyết định của Mỹ về việc theo đuổi mở rộng NATO thay vì phát triển quan hệ hòa bình với Nga là sai lầm.
Đầu tiên, chúng ta đề xuất chương trình Đối tác vì hòa bình với các quốc gia Đông Âu, bao gồm Nga và các nước kế tục Liên Xô. Nếu chúng ta theo đuổi con đường đó, chúng ta đã có thể tạo ra một cấu trúc an ninh châu Âu toàn diện hơn. Nhưng điều đó không xảy ra vì Mỹ chọn mở rộng NATO. Một sai lầm quá lớn”.
Cuối cùng, ông Matlock khẳng định các chính sách trừng phạt kinh tế của phương Tây chống lại Nga đang không đạt tác dụng. Thậm chí, nó còn khiến nền kinh tế Nga độc lập hơn và củng cố quan hệ giữa Matxcơva và Trung Quốc, Iran.