Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Nancy Faeser hôm 9-9 đã công bố kế hoạch mở rộng rà soát nhập cảnh, kiểm tra hộ chiếu chặt chẽ hơn tại các cửa khẩu dọc theo toàn bộ biên giới trên đất liền của nước này, theo đài Deutsche Welle (DW).
Biện pháp kiểm soát này là một phần trong các nỗ lực của Chính phủ Đức nhằm hạn chế tình trạng di cư bất hợp pháp, đồng thời giải quyết các mối đe dọa từ những phần tử khủng bố Hồi giáo, cũng như phòng các tổ chức tội phạm xuyên biên giới.
“Chúng tôi đang làm tất cả mọi thứ để bảo vệ người dân nước mình khỏi các tình trạng nêu trên. Chúng tôi đang tăng cường an ninh bên trong lãnh thổ nước Đức thông qua những hành động cụ thể, đồng thời tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp”, bà Faeser cho biết.
Các biện pháp kiểm tra tăng cường sẽ bắt đầu từ ngày 16-9 và kéo dài trong sáu tháng tới.
Đức có chung đường biên giới trên đất liền với Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Cộng hòa Czech và Ba Lan. Tất cả các nước này đều nằm trong khu vực phi thị thực Schengen. Điều này đồng nghĩa với việc những người di cư có thể nhập cảnh vào Đức từ những nước láng giềng mà không cần kiểm tra tại biên giới.
Từ năm 2023, Đức đã áp dụng một số biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn ở khu vực biên giới với Áo, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Thụy Sĩ nhằm đối phó trước làn sóng yêu cầu xin tị nạn vào Đức gia tăng mạnh mẽ.
Động thái của Chính phủ Đức diễn ra trong bối cảnh dư luận Đức tranh luận gay gắt về vấn đề nhập cư và hệ thống quản lý người tị nạn ở Đức sau vụ tấn công bằng dao khiến 3 người chết, 8 người bị thương tại thành phố Solingen, phía tây nước Đức hôm 23-8, cùng một số vụ tấn công tương tự khác đã xảy ra gần đây.
Các nhà điều tra Đức nghi kẻ tấn công trong vụ việc ở thành phố Solingen (quốc tịch Syria) là người đã bỏ trốn sau khi Berlin áp lệnh trục xuất tên này sang Bulgaria. Bulgaria là quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên hắn nhập cảnh.
Dân Đức ngày càng lo ngại người di cư
Đức đã tiếp nhận hơn 1 triệu người xin tị nạn vào năm 2015 – 2016 khi cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu lên đến đỉnh điểm. Làn sóng người di cư này đã gây chia rẽ sâu sắc ở Đức nhưng lại trở thành động lực giúp đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp bang.
Trong khi đó, liên minh trung tả ba đảng cầm quyền gồm Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP) lại gặp thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử hôm 1-9.
Hiện liên minh ba đảng cầm quyền Đức đã tham vấn với phe đối lập chính trung hữu gồm Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) về những biện pháp hạn chế người di cư trước mối lo ngại ngày càng tăng của công chúng nước này.