Tại một số cửa hàng thực phẩm, siêu thị có hiện tượng hết rau vào chiều tối, nhưng được bổ sung đầy kệ vào sáng hôm sau bởi các doanh nghiệp đã có nguồn tiếp tế hằng ngày. Trong khi đó hàng chế biến và thực phẩm khô vẫn rất dồi dào.
Nguồn cung dồi dào
Ghi nhận tại Hà Nội ngày 11-9, tại các chợ và siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở Hà Nội nguồn cung hàng hóa vẫn được đảm bảo. Do có thông tin tích cực hơn về tình hình lũ lụt, nên hầu như không còn cảnh người dân xếp hàng, tranh mua thực phẩm.
Dù nhu cầu mua sắm có cao hơn so với bình thường, khiến một số thời điểm bị thiếu hàng cục bộ, song về cơ bản hàng hóa vẫn đáp ứng đủ.
Bà T., một tiểu thương chợ dân sinh ở phường Mộ Lao, Hà Đông, cho biết do giá nhập tăng nên bà phải bán 15.000 đồng một mớ rau muống, thay vì 10.000 đồng như trước bão. Tương tự, các loại rau lá khác cũng tăng khoảng 30%, lên 15.000 – 20.000 đồng một mớ.
Còn theo chị Minh – một tiểu thương khác ở chợ Hà Đông, tùy từng nơi giá cả có biến động khác nhau. Một số khu vực ngập nhiều, rau chết, hàng không có nên giá tăng mạnh. Ngược lại, một số nơi và một số loại khả năng sống tốt ở môi trường nước ngập như rau muống, giá bán không thay đổi.
Trong khi giá cả ở các hộ buôn bán lẻ, chợ dân sinh có sự phân hóa mạnh do các yếu tố cung – cầu thì ghi nhận tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, giá cả đang được giữ ổn định hơn. Nhiều đơn vị đẩy mạnh chuyển từ Đà Lạt và các khu vực khác ở miền Nam ngược ra Bắc.
Bà Nguyễn Thị Hiền, phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị BRGMart, cũng cho biết nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng mạnh khoảng 70 – 80% so với ngày thường. Đặc biệt, tại Hải Dương lượng khách hàng đến mua sắm tăng đột biến.
Đa phần các mặt hàng rau xanh do ảnh hưởng bởi bão nên sẽ hạn chế, riêng rau muống vẫn đảm bảo đầy đủ 100%, theo bà Hiền. Nhu cầu thịt heo và thịt gà cũng tăng khoảng 30% song giá cả cơ bản đều ổn định, kể cả rau xanh.
Siêu thị thực phẩm khai trương ngay sau bão
Vào sáng 11-9, giữa cơn mưa lớn tại Hà Nội, một siêu thị thực phẩm vùng miền OCOP đã khai trương tại khu dân cư Định Công. Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh, chia sẻ rằng dù công ty đã là nhà cung cấp cho hàng nghìn điểm bán, nhưng đây mới là điểm bán đầu tiên của riêng họ.
Bất chấp thời tiết khắc nghiệt, bà Hiếu quyết tâm mở cửa hàng nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm giá hợp lý cho người dân.
Bảo Minh Mart thu hút sự chú ý của cư dân địa phương với chương trình giảm giá từ 30 – 50%. Bà Hương, một khách hàng ghé thăm, nhận xét nhiều mặt hàng có giá cả phải chăng hơn so với chợ Định Công gần đó, đặc biệt là các sản phẩm vùng miền được quảng cáo là thực phẩm sạch.
Bà Hiếu cho biết công ty đã chuẩn bị hàng hóa trước khi bão số 3 xảy ra, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhà phân phối. Tuy nhiên, do tình hình bão lũ phức tạp ảnh hưởng đến nhiều vùng sản xuất ở Tây Bắc, công ty đang cân nhắc tạm dừng một số đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên thị trường trong nước.
Đơn vị này cũng tăng cường nguồn hàng từ các địa phương khác với sản lượng gấp 4 – 5 lần mà vẫn giữ ổn định giá cả.
Quảng Ninh: không lo thiếu hàng
Tại các chợ và siêu thị ở thành phố Hạ Long, giá cả các mặt hàng rau củ quả và thịt tăng khoảng 10 – 15% so với bình thường. Rau xanh khan hiếm hơn các loại củ quả.
Tuy nhiên, các siêu thị như Go! Hạ Long, Winmart, MM Mega Market vẫn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, thậm chí tăng lượng hàng lên kệ lên 50% so với ngày thường để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.
Theo ông Cam Đức Quân – phó Phòng quản lý thương mại (Sở Công Thương Quảng Ninh), 130/133 chợ, 11 siêu thị và 432 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo cung ứng hàng hóa.
Tại các địa phương như Đông Triều, Uông Bí, Cẩm Phả, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, hoạt động thương mại diễn ra ổn định, chỉ có giá thịt heo và rau xanh tăng nhẹ.
Mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguồn cung thực phẩm như rau củ quả, thịt tại Quảng Ninh vẫn đảm bảo, không lo thiếu hụt.