Những kỷ vật cuối cùng của những đứa trẻ thôn Làng Nủ

Cô giáo Hoàng Thị Nự bên kỷ vật còn lại của các con – Ảnh: THÀNH CHUNG

Trưa 12-9, ngồi trong lớp ghép 5 tuổi thuộc điểm trường thôn Làng Nủ lần giở từng chiếc khăn tay, đôi dép, lý lịch nhập học của các cháu từ 4 – 5 tuổi, cô Hoàng Thị Nự (sinh năm 1988, giáo viên Trường mầm non số 1 Phúc Khánh) – cho biết cơn lũ dữ, kinh hoàng đã làm 10/36 cháu của điểm trường tử vong, mất tích, bị thương. 

Trong đó, nhiều cháu thuộc lớp ghép 5 tuổi. 

“Chỉ mong thấy một cánh tay giơ lên kêu cứu nhưng không có…”

Sau 3 ngày tìm kiếm, tới nay, các lực lượng chức năng mới tìm thấy 8 cháu tử vong, 1 cháu bé 3 tuổi bị thương đã được đưa đi viện cấp cứu và vẫn còn 1 cháu mất tích.

“Các cháu còn rất nhỏ. Có cháu chỉ 2 tuổi. Mấy ngày qua tôi không thể nào ngủ được khi nghĩ đến lúc tìm thấy thi thể các cháu. Có cháu còn nguyên vẹn nhưng có cháu thì không… Thực sự quá đau lòng”, cô Nự nghẹn ngào.

Cô Nự chia sẻ cô và các cô giáo đều không thể ngờ chỉ vài ngày sau khai giảng, những đồ vật được các con yêu thích lại trở thành những kỷ vật cuối cùng.

Nhớ lại sáng sớm 10-9, nghe tin cơn lũ dữ đã quét gần sạch cả thôn Làng Nủ, tay chân cứ run cầm cập, rụng rời nhưng cô Nự vẫn không dám tin đó là sự thật.

Thời điểm đó, điện thoại không có sóng, không liên lạc được với ai nên cô vội vã chạy ra hiện trường cùng bà con dân bản còn sống sót, lực lượng chức năng với hy vọng mong manh tìm cứu được một người nào đó.

“Nhưng đến nơi tất cả chỉ là một bãi đất bị san phẳng, nước lũ kèm bùn đất chảy cuồn cuộn. Cảm giác hoang mang, đau thương không gì diễn tả được. Chúng tôi cố gắng tìm thấy một cánh tay giơ lên kêu cứu nhưng không có”.

Những kỷ vật cuối cùng từng yêu thích của các cháu mầm non thôn Làng Nử - Ảnh 2.

Cô giáo Nự xem lại các bức tranh các con vẽ – Ảnh: THÀNH CHUNG

Những ước mơ sẽ mãi mãi không thực hiện được

Theo cô giáo Nự, đa phần các cháu ở thôn Làng Nủ đều thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn nhưng lại rất hiếu học, thích học. 

“Các cháu rất thích đi học, học đầy đủ và luôn mong chờ đến thứ 6 để được nhận phiếu bé ngoan”, cô Nự nghẹn ngào nói.

Cũng là người Làng Nủ và về điểm trường này, gắn bó với các gia đình nhiều năm qua, cô Nự nhớ từng tên, tính cách, sở thích của học sinh và nhớ từng cháu ngồi ở đâu, ngủ chỗ nào.

Cô kể nhiều bạn rất ngoan ngoãn hiếu động hay cười, nhất là bạn Hoàng Phúc L. (4 tuổi), ăn cơm rất ngoan, nhanh, sạch, mỗi khi cô giáo trêu “bạn L. đẹp trai thế” con lại cười tủm tỉm.

Hay bạn Nông Hoài N. (5 tuổi) rất thích sưu tập siêu nhân, thích mặc áo cờ đỏ sao vàng. Lúc nào cũng bảo “con thích mặc áo cờ đỏ sao vàng”. Trong lớp biểu tượng khăn của con cũng là cờ đỏ sao vàng. 

“Con nói con yêu Việt Nam nên con chọn khăn có biểu tượng cờ đỏ sao vàng. Mỗi lần ăn cơm xong, con đều lấy đúng khăn của mình để rửa mặt và cốc sử dụng”, cô Nự kể.

Rồi bạn K. ăn chậm, không thích ăn trứng, song rất gần gũi hay hỏi “cô giáo đang làm gì đấy”. Biểu tượng khăn của K. chọn là cây nấm vì cây nấm đẹp, bạn cũng thích ăn nấm.

Những kỷ vật cuối cùng từng yêu thích của các cháu mầm non thôn Làng Nử - Ảnh 3.

Những bộ hồ sơ, đôi dép, cốc, bát… là kỷ vật cuối của các con – Ảnh: THÀNH CHUNG

Những kỷ vật cuối cùng từng yêu thích của các cháu mầm non thôn Làng Nủ - Ảnh 5.

Góc học tập của các con với nhiều đồ kỷ vật – Ảnh: THÀNH CHUNG

Hay bạn Q. (4 tuổi), kiêng dòng họ đỗ – đậu nhưng có ước mơ lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người.

“Biểu tượng khăn của con là xe đạp và con có mong muốn sau này lên lớp 1, được mẹ mua cho xe đạp để 2 anh em đèo nhau đi học. 

Nhưng giờ cả mẹ, Q. và anh trai đã bị nước lũ cuốn trôi, tử vong chỉ còn lại chiếc khăn, bộ hồ sơ, gối, thìa, bát, cốc ở lớp mầm non”, cô Nự nói trong nước mắt.

Cô Nự tâm sự sau khi lực lượng chức năng tìm thấy hết những người mất tích, toàn bộ hồ sơ, các vật dụng còn lại của các cháu sẽ được nhà trường trao cho gia đình.

Nếu cháu nào may mắn còn bố mẹ hoặc anh em họ hàng thì giữ làm kỷ niệm hoặc làm thủ tục khai tử cho các cháu.

“Những gia đình nào đã mất hết cả nhà, các cô sẽ giữ lại và coi đó là kỷ vật cuối cùng mà cô trò được học, ăn ngủ với nhau từ sớm đến tối, suốt 9 tháng trong mỗi năm học với rất nhiều kỷ niệm… Xót xa lắm”, cô Nự chia sẻ thêm.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *