Theo Hãng tin AFP, ngày 13-9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định lập trường Berlin sẽ không gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine, bất chấp việc một số nước phương Tây đang nới lỏng khả năng sử dụng loại vũ khí này cho Kiev.
Ông Scholz khẳng định khi được hỏi về vấn đề trên trong một buổi họp báo: “Đức đã đưa ra quyết định rõ ràng về việc sẽ làm gì và không làm gì. Quyết định đó sẽ không đổi”.
Từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ, Đức là nước viện trợ quân sự cho Kiev nhiều thứ hai chỉ sau Mỹ. Tuy nhiên, Berlin vẫn liên tục từ chối cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa Taurus do nước này sản xuất vì lo ngại làm leo thang căng thẳng.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer hội đàm để thảo luận việc có nên cho Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây viện trợ hay không.
Khi được hỏi về cuộc họp trên, ông Steffen Hebestreit – người phát ngôn của ông Scholz – chỉ nói “các vũ khí mà Mỹ và Anh đang thảo luận” có tầm bắn xa hơn bất kỳ khí tài nào từng được Đức gửi đi.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng khẳng định những gì mà Washington và London thống nhất “là chuyện của họ”.
Trong khi đó, ngay trước thềm cuộc họp giữa ông Biden và ông Starmer, người phát ngôn Nhà Trắng về các vấn đề an ninh quốc gia John Kirby khẳng định Mỹ không có ý định công bố chính sách mới nào về Ukraine và việc sử dụng tên lửa tầm xa trong ngày 13-9.
Ông Kirby chia sẻ với báo chí: “Quan điểm của chúng tôi về việc cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ để đánh Nga sẽ không đổi. Tôi không kỳ vọng sẽ có thông báo lớn nào về vấn đề đó”.
Ông Zelensky chê phương Tây sợ hãi
Cũng trong ngày 13-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chê trách phương Tây “sợ hãi” đến mức không dám bàn việc có nên bắn hạ vũ khí đường không của Nga giúp Ukraine hay không.
Ông Zelensky khẳng định: “Nếu các đồng minh đã hiệp lực bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái (giúp Israel) ở Trung Đông thì tại sao vẫn chưa có quyết định tương tự về việc cùng nhau bắn hạ tên lửa Nga và drone Shahed (do Iran sản xuất) trên bầu trời Ukraine? Họ sợ đến mức không dám nói ‘chúng tôi đang xem xét’.
Điều này được tiến hành ngay cả khi tên lửa và drone bay vào vùng trời của các nước láng giềng. Đây là sự xúc phạm thế giới dân chủ”.
Trong nhiều tuần qua, Ukraine ngày một tăng cường sức ép lên các đồng minh phương Tây về việc cho phép nước này đánh sâu vào lãnh thổ Nga.
Ngược lại, ngày 12-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo Matxcơva xem việc bật đèn xanh cho các yêu cầu trên đồng nghĩa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “có chiến tranh với Nga”.