Huyện Bắc Hà vẫn còn địa phương bị cô lập, chưa tiếp cận được. Trong đoàn người cứu trợ những nạn nhân bị sạt lở ở xã Nậm Lúc (Bắc Hà, Lào Cai), đã có những người vượt hàng nghìn cây số, mang hơi ấm tình thương đến đây.
Đến với bà con và làm bất cứ việc gì bà con cần
“Trời ơi! Sao khổ dữ vậy trời!”, Trần Thị Khánh Linh thốt lên khi người dân xã Nậm Lúc khiêng thi hài một bé gái đi chôn cất. Trần Thị Khánh Linh quê ở Phan Thiết (Bình Thuận), làm việc ở TP.HCM. Cô cùng nhóm bạn 14 người đã vượt cả ngàn cây số đến với đồng bào bị thiệt hại vì bão lũ.
Khánh Linh cho hay cô từng leo núi nhưng chưa bao giờ tưởng tượng được có đoạn đường xuyên rừng mà dốc đến vậy. Cả nhóm mất ba tiếng đồng hồ, nghỉ hàng chục lần mới lên tới đỉnh dốc. Tính ra quãng đường chỉ hơn 2 cây số nhưng phải thật quyết tâm mới chinh phục được con dốc vừa dốc vừa trơn.
Khi nhận được thông tin bão lũ tàn phá ở miền Bắc, Linh đang ở Malaysia. Cô liên hệ với trưởng một nhóm tình nguyện rồi đáp máy bay về. Trước khi đến Lào Cai, cô cũng kịp có mấy ngày đến vùng lũ Yên Bái giúp bà con. Rồi khi nghe tin về vụ sạt lở khủng khiếp ở thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc), cô và nhóm bạn đi ngay trong đêm để lên hiện trường.
Công việc của họ là tham gia tìm kiếm, phối hợp với lực lượng công an, quân đội xác định vị trí rồi xắn tay đào đất, dọn bùn, tìm thi thể. Họ mang theo đồ ăn, lều trại để ngủ lại hiện trường, mong muốn giúp lực lượng cứu hộ nhanh chóng tìm được người mất tích.
“Tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó để giúp bà con thôi. Tôi không định hình, không suy nghĩ nhiều, chỉ tâm niệm là mình phải ra đây, đến với bà con và làm bất cứ việc gì bà con cần”, Linh tâm sự.
Khánh Linh là một trong những người đầu tiên của nhóm vượt qua con đường gần 8 cây số ngược núi đến điểm tập kết của lực lượng cứu hộ. Dọc đường cô gặp hàng trăm người dân khác từ khắp nơi cũng cố gắng vượt núi, vác lương thực, nước uống cho bà con. Cô xúc động đỏ hoe mắt khi nghe tiếng khóc xé lòng của người mẹ mất con vì sạt lở.
Tiếng khóc ấy khiến cô quên mệt mỏi, bước tiếp trên triền dốc trơn như đổ mỡ.
Muốn hỗ trợ những phần khó nhất
Nguyễn Đoàn Đông Phương (Châu Thành, Long An) là một người từng ở trong quân ngũ nên anh đã được huấn luyện khá bài bản về kỹ năng tìm kiếm, hỗ trợ người trong bão lũ từ ngày còn trong quân ngũ. Đông Phương làm trưởng nhóm bạn 14 người vượt rừng đến đây cứu trợ.
Anh theo dõi rất kỹ từng giờ, từng phút cơn bão Yagi. Thế nhưng cả anh chàng trưởng nhóm và các thành viên đều không ngờ hậu quả sau bão khủng khiếp đến vậy. Dự kiến ban đầu của nhóm là hỗ trợ bà con dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão, sau ngập lụt ở Yên Bái.
Họ ở Yên Bái hai ngày, cùng bà con tìm người bị kẹt vì lũ, vận chuyển nhu yếu phẩm… Cứ ai cần việc gì là giúp việc ấy. Thế nhưng, khi nghe tin cả 8 hộ dân bị lũ quét vùi lấp ở Nậm Lúc, cả nhóm quyết định lên Lào Cai, đến tận hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm.
Đêm đầu tiên ở trong lều tạm, cả nhóm ngồi dựa vào nhau để tránh mưa. Cơn mưa đêm miền núi giội xối xả khiến tấm bạt căng làm lều tạm không trụ nổi, dột tứ tung như ngoài trời. Cả trăm chiến sĩ công an cùng khu tập kết cũng chịu chung cảnh mưa dột. Không điện, không sóng điện thoại, họ dựa vào nhau chờ mưa tạnh.
Sáng sớm, trưởng nhóm Đông Phương phân công từng người giúp chiến sĩ xuống hiện trường. Hai bạn nữ trong nhóm dọn dẹp, giặt quần áo đã ướt đẫm vì cơn mưa đêm. Bạn nào khỏe xách xà beng đi bẩy đá, xúc bùn với chiến sĩ.
Người khác có kinh nghiệm, được huấn luyện đi rà soát lại một vòng hiện trường vụ sạt lở, đánh dấu lại bất cứ thứ gì nghi ngờ là có nạn nhân nằm dưới bùn. Đông Phương thì để ý cẩn thận xem từng khe đá, từng vũng nước. Bất cứ chỗ nào có màu khác lạ, đặc biệt là dấu hiệu của vết máu lẫn trong bùn là được đánh dấu lại.
Cách tìm kiếm, làm việc của anh khiến công việc tìm kiếm của lực lượng chức năng thuận lợi hơn khá nhiều. Ngay phó trưởng Công an huyện Bắc Hà đang có mặt chỉ huy ở hiện trường cũng không khỏi bất ngờ về sự chuyên nghiệp của Phương.
Đông Phương nói lợi thế lớn nhất của anh là từng được huấn luyện trong quân đội nên chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn trong nhóm. Các bạn trẻ này cũng từng tham gia hàng chục cuộc tìm kiếm, cứu nạn ở nhiều nơi, đặc biệt là trận thiên tai lịch sử ở miền Trung năm 2020.
Lần ấy, Phương dùng xà beng bẩy cái cột nhà bị lũ xô đổ, hai mẹ con nằm lại trong đó. Hình ảnh thẫn thờ của người chồng khi nhìn thấy xác người thân khiến Phương ám ảnh. Anh không thể quên được đôi mắt đờ dại, những lời nói không còn biết nội dung vì hoảng loạn của người đàn ông ấy.
“Đây chính là điều thôi thúc chúng tôi. Chúng tôi muốn hỗ trợ những phần khó nhất. Ví dụ các bạn chiến sĩ ở đây đều là các bạn trẻ, chưa có kinh nghiệm, đặc biệt khi tiếp xúc với thi thể nạn nhân có thể sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý. Chúng tôi chỉ nghĩ là giúp được gì thì chúng tôi làm hết sức”, Đông Phương nói.