Vào tháng 9-2023, một tín hiệu địa chấn kỳ lạ, với tần số duy nhất và kéo dài suốt 9 ngày, đã làm rung chuyển toàn cầu. Sự kiện này hoàn toàn khác biệt so với các trận động đất thông thường và đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học.
Kết quả nghiên cứu mới nhất của nhóm nghiên cứu quốc tế do các nhà khoa học Bỉ dẫn đầu phát hiện một vụ lở đất khổng lồ tại Greenland đã kích hoạt siêu sóng thần, với con sóng cao đến 200m và duy trì dao động trong vịnh hẹp suốt 9 ngày. Chính sự chuyển động dữ dội của khối nước khổng lồ này đã tạo ra những rung động địa chấn mạnh mẽ lan tỏa khắp toàn cầu.
Dưới sự dẫn dắt của nhà địa chấn học Thomas Lecocq, nhóm nghiên cứu gồm 68 nhà khoa học đến từ 40 tổ chức và 15 quốc gia đã dành nhiều tháng để phân tích dữ liệu thu thập được từ các vệ tinh, máy đo địa chấn và các trạm quan sát đặt tại vùng cực.
Bằng cách sử dụng các phần mềm mô phỏng địa chất tiên tiến, các nhà nghiên cứu đã xây dựng nên những mô hình 3D chi tiết về địa hình, địa chất và băng quyển ở Greenland.
Corentin Caudron, nhà núi lửa học tại Đại học Tự do Brussels (ULB), cho biết: “Bằng cách loại trừ từng giả thuyết, chúng tôi đã tìm ra lời giải đáp cuối cùng. Chúng tôi cũng đã liên hệ với những người dân địa phương, những người chứng kiến vụ sụp đổ của ngọn núi và mực nước biển dâng cao đột ngột. Từ đó, chúng tôi kết luận rằng nguyên nhân của tín hiệu chính là trận sóng thần cực mạnh”.
Tín hiệu được ghi nhận vào tháng 9-2023 có những đặc điểm hoàn toàn khác biệt so với các tín hiệu địa chấn thông thường từ các trận động đất. Nó chỉ bao gồm một tần số duy nhất, khiến tín hiệu giống như một âm thanh đơn điệu liên tục, trái ngược với các tín hiệu động đất vốn có nhiều tần số khác nhau. Chính sự bất thường này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà khoa học và thúc đẩy họ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
Sau khi loại trừ khả năng liên quan đến hoạt động núi lửa, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng một khối lượng đá khổng lồ từ vụ lở đất đã trượt xuống thung lũng với tốc độ chóng mặt, kéo theo một phần của sông băng và lao xuống đại dương. Sự va chạm dữ dội này đã tạo ra một con sóng thần khổng lồ, mất đến 9 ngày mới hoàn toàn lắng xuống.
Mặc dù sự kiện này không gây ra thiệt hại đáng kể về người, nhưng nó đã phơi bày sự mong manh của khu vực phía Đông Greenland, vốn trước đây được coi là ổn định và chưa từng bị ảnh hưởng bởi các vụ lở đất quy mô lớn. Sự tan chảy nhanh chóng của các sông băng do biến đổi khí hậu đã làm thay đổi hoàn toàn bức tranh này.
Theo ông Thomas Lecocq, sự kiện này cho thấy mức độ ấm lên ở Đông Greenland đang diễn ra nhanh chóng hơn nhiều so với dự đoán trước đây và không hề kém phần nghiêm trọng so với Tây Greenland. Ông nhấn mạnh rằng tảng băng từng được coi là bất động rõ ràng đang tan chảy, và điều này đang gây ra những tác động sâu sắc đến khu vực.
Việc tan chảy băng ở Greenland không chỉ là một hiện tượng địa chất đơn thuần mà còn là một lời cảnh báo nghiêm trọng về tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Sự gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt và sóng thần không chỉ đe dọa tính mạng và tài sản của hàng triệu người mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ngày 13-9.