ASEAN cần tận dụng cạnh tranh Mỹ – Trung

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo – Ảnh: NGỌC ĐỨC

Hội thảo đã nghe một số báo cáo về hiện trạng cạnh tranh Mỹ – Trung tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt về cuộc cạnh tranh có sức ảnh hưởng giữa hai nước lớn tại khu vực này. Bên cạnh đó, hội thảo còn thảo luận những phương án phản ứng cụ thể của các nước ASEAN trước sự ảnh hưởng của hai cường quốc.

Cạnh tranh quyền lực mềm

Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS Nguyễn Khắc Nam (ĐH KHXH&NV Hà Nội) nhận định nếu không xét đến những sự kiện như thiên tai hay dịch bệnh thì quan hệ giữa các nước lớn chính là nhân tố chi phối và có khả năng thay đổi toàn bộ cục diện thế giới và cấu trúc quan hệ quốc tế, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Đây là vấn đề còn kéo dài với những diễn biến phức tạp và khó lường.

Tiếp đó, TS Trần Nguyên Khang (khoa quan hệ quốc tế, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định bên cạnh cạnh tranh truyền thống như chính trị, an ninh, kinh tế, Mỹ và Trung Quốc còn đang cạnh tranh nhau về quyền lực mềm với các nước Đông Nam Á. Cuộc cạnh tranh này đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc khắc họa hình ảnh của các cường quốc tại khu vực này.

Cuộc cạnh tranh trên được Mỹ và Trung Quốc tiến hành theo nhiều cách khác nhau thông qua văn hóa đại chúng, ngoại giao công chúng, giáo dục, các hoạt động viện trợ, đầu tư, đối ngoại đa phương hay thậm chí các mô hình kinh tế.

Trong đó, ông Khang khẳng định văn hóa là một trong những yếu tố nòng cốt để hai nước triển khai quyền lực mềm và là nguồn lực giúp Mỹ và Trung Quốc quảng bá sức ảnh hưởng các nước trên thế giới, trong đó có Đông Nam Á.

TS Khang cho rằng phản ứng của các quốc gia ASEAN đối với quyền lực mềm của Mỹ và Trung Quốc rất đa dạng và có thể xem là bất phân thắng bại, tùy thuộc vào mối quan hệ lịch sử, xã hội, các cân nhắc về địa chính trị và lợi ích kinh tế giữa các quốc gia.

Ông Khang cũng chỉ ra rằng sức mạnh mềm của hai cường quốc chịu tác động đáng kể từ cách hành xử của họ liên quan đến sức mạnh cứng. Ông khẳng định: “Những sự thiếu thận trọng của Trung Quốc và Mỹ tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung tác động rất nhiều đến hình ảnh của họ”.

Cơ hội để ASEAN phát triển nội lực

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Tăng Nghị (trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) khẳng định các nước khu vực Đông Nam Á cần tận dụng cạnh tranh lợi ích cũng như ảnh hưởng của các cường quốc để thúc đẩy phát triển nội lực.

Theo đó, các nước ASEAN có thể sàng lọc những lợi ích từ các cơ chế của Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là các hệ thống Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Trung Quốc với các nước ASEAN và Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) của Mỹ. Nhờ đó, các nước Đông Nam Á có thể thúc đẩy phát triển nội lực theo hướng cân bằng những điều tích cực, tốt đẹp nhất từ cặp quan hệ đặc biệt này, chứ không lựa chọn một bên.

TS Nguyễn Tăng Nghị nhấn mạnh Việt Nam không nằm ngoài xu thế cạnh tranh trên. Do đó, Việt Nam cần cân nhắc và khôn khéo để tận dụng tài nguyên, sức mạnh của hai nước lớn làm bàn đạp phát triển, đặc biệt về kinh tế.

Bên cạnh đó, ông Nghị cũng đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong việc duy trì Đông Nam Á là khu vực có nền hòa bình lâu đời tại Thái Bình Dương trong suốt hơn 50 năm qua.

Ông nhận định: “Chúng ta phải thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN đã làm rất tốt. Trong phương thức giải quyết các vấn đề của ASEAN có nguyên tắc đồng thuận và nguyên tắc không can thiệp nội bộ lẫn nhau. Chính hai nguyên tắc này khiến vai trò trung tâm của ASEAN luôn là hình mẫu cho khả năng điều phối và giải quyết các cuộc khủng hoảng khi cạnh tranh Mỹ – Trung đang diễn ra khốc liệt”.

Theo TS Tăng Nghị, nếu tiếp tục sử dụng hai nguyên tắc trên làm kim chỉ nam để xây dựng, củng cố vị thế ASEAN, đồng thời tác động đến các cấu trúc an ninh trong khu vực thì vai trò trung tâm của ASEAN càng được nâng cao và tăng cường. Từ đó, nền hòa bình và ổn định lâu đời, cũng như sự phát triển của các quốc gia thành viên sẽ được đảm bảo.

3 kịch bản cho cạnh tranh Mỹ – Trung

TS Hoàng Huệ Anh (Viện nghiên cứu Trung Quốc, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) vạch ra ba kịch bản cho cuộc cạnh tranh hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Kịch bản thứ nhất, hai nước có thể chậm rãi phân tách một cách có chọn lọc và tính toán về kinh tế theo hướng tránh gây hiểu lầm hoặc chiến tranh. Hai quốc gia có thể chuẩn bị cho năng lực tự chủ của mình để không hoàn toàn phụ thuộc vào nước còn lại.

Trong kịch bản này, hai nước vẫn sẽ duy trì các kênh liên lạc thường xuyên để tránh leo thang mỗi khi xảy ra các cuộc khủng hoảng nhỏ. Các cường quốc chủ chốt có thể sẽ đưa ra các cơ chế kiểm soát vũ khí mới nhằm kiểm soát cuộc cạnh tranh của họ. Kịch bản này tương đối lạc quan về quan hệ giữa hai nước.

Kịch bản thứ hai, Trung Quốc và Mỹ sẽ bị cuốn vào một cuộc chơi có tổng bằng không (zero-sum game) thông qua việc hình thành các khối đối đầu. Thương mại Mỹ – Trung có thể sẽ bị giảm xuống mức thấp nhất vào cuối thập niên này và các hệ thống tiêu chuẩn công nghệ tồn tại song song không tương thích với nhau xuất hiện.

Kịch bản thứ ba là sự đối đầu trực tiếp. Nếu như cuộc cạnh tranh đối đầu về mặt quân sự xảy ra thì hai điểm nóng nguy hiểm nhất là Đài Loan và Biển Đông.

“Mặc dù đưa ra ba kịch bản, tôi vẫn nghĩ rằng kịch bản đầu tiên là kịch bản có thể xảy ra lớn nhất trong tương lai gần”, bà Huệ Anh nêu.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *