Để chia sẻ khó khăn, tổn thất sau cơn bão số 3 với đồng bào vùng lũ, nhiều trường đại học đã kêu gọi mỗi cán bộ, giảng viên quyên góp ít nhất một ngày lương vào quỹ cứu trợ các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mưa lũ.
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, để chia sẻ khó khăn cùng đồng bào vùng lũ, nhà trường quyết định dừng chương trình Tết Trung thu, kinh phí tổ chức sẽ được chuyển sang ủng hộ đồng bào lũ lụt.
Đại học Quốc gia Hà Nội kêu gọi mỗi cán bộ, viên chức, người lao động sẽ đóng góp mỗi người ít nhất một ngày lương để hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn. Đồng thời công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội cũng gửi thông báo tới các công đoàn cơ sở cùng phối hợp thực hiện các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa này.
Các đơn vị có sản phẩm quyên góp như: lương thực, nước uống, đồ dùng, sách vở… trực tiếp liên hệ với các địa phương để gửi tặng.
Tại Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội), không chỉ dừng lại ở sự đóng góp cá nhân, nhà trường còn quyên góp toàn bộ quỹ trường (100 triệu đồng) và quỹ ủng hộ giáo viên trẻ đào tạo vùng Tây Bắc (gần 50 triệu đồng), để kịp thời hỗ trợ bà con đang gặp khó khăn.
“Đội ngũ cán bộ, nhân viên và giảng viên, học viên và cựu sinh viên không chỉ đóng góp tài chính, mà còn trực tiếp tham gia chuẩn bị và vận chuyển hàng cứu trợ.
Những chuyến hàng gồm lương thực, nhu yếu phẩm đã được chuyển đến tận tay bà con các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên và xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, mang theo tấm lòng sẻ chia và sự hỗ trợ thiết thực”, đại diện nhà trường cho biết.
Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng ra văn bản yêu cầu các khoa/viện quản trị kinh doanh, viện đào tạo quốc tế rà soát, thống kê và lập danh sách sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Theo đó, nhà trường sẽ xem xét, cân nhắc, đề xuất phương án hỗ trợ sinh viên trên cơ sở thống kê khó khăn, thiệt hại thực tế.
Tại Trường đại học Ngoại thương, đại diện nhà trường cho biết đợt bão số 3 và hoàn lưu bão, cũng như lũ lụt, ngập úng đã gây ra những khó khăn trong việc học tập và cuộc sống của nhiều sinh viên.
Để có phương án hỗ trợ kịp thời, nhà trường đã tổ chức rà soát, đến thời điểm hiện tại ghi nhận thông tin của khoảng 100 sinh viên từ các tỉnh thành gặp những khó khăn như bị cô lập do tình trạng lũ lụt, gia đình bị thiệt hại về tài sản, di chuyển từ nhà đến trường khó khăn do tắc nghẽn,… trong đó chủ yếu là khó khăn do bị cô lập vì tình trạng ngập úng xung quanh nơi ở hiện tại.
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng đã trích 500 trăm triệu đồng từ nguồn quỹ hỗ trợ sinh viên của học viện để hỗ trợ cho sinh viên đại học chính quy có gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do bão lụt nhằm giúp các em tháo gỡ, vượt qua những khó khăn trước mắt.
Bên cạnh đó, từ ngày 13-9 đến ngày 20-9, học viện cấp 2.000 suất ăn miễn phí hỗ trợ sinh viên thuộc đối tượng chính sách tại căng tin Học viện trong thời gian Hà Nội chịu nhiều ảnh hưởng từ bão lũ từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, cán bộ, giảng viên quyên góp ủng hộ đồng bào các địa phương bị thiệt hại do cơn bão số 3, mỗi người ủng hộ ít nhất một ngày lương. Trước đó, trong lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, đại diện nhà trường đã trao số tiền 200 triệu đồng, góp phần hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc gặp những khó khăn, tổn thất trong cơn bão lũ.
Ngày 14-5, Học viện Kỹ thuật quân sự, cho biết sau một ngày phát động tự nguyện ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơ bão số 3, nhà trường đã nhận số tiền quyên góp là hơn 417 triệu đồng. Nhà trường sẽ nhận quyên góp đến hết ngày 23-9.
“Bất cứ sự hỗ trợ nào vào thời điểm này đều rất đáng trân trọng”
Trước đó, chiều 11-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức lễ phát động ngành giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kêu gọi toàn ngành giáo dục, các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, học sinh, sinh viên, cùng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành hãy chung tay, góp sức bằng vật chất, tinh thần, bằng sự hỗ trợ, động viên, kết nối để cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bão lũ nói chung và với ngành giáo dục các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc nói riêng.
“Bất kỳ sự hỗ trợ nào, từ cuốn vở, quyển sách hay bằng tiền mặt, đồ dùng cá nhân… vào thời điểm này đều rất đáng trân trọng. Các hoạt động hỗ trợ có thể gửi về Công đoàn Giáo dục Việt Nam hoặc trực tiếp tới địa phương, trường học, gia đình các giáo viên, học sinh chịu thiệt thòi do bão lũ gây ra”, bộ trưởng nói.