Chỉ sau vài giờ phản ánh, cơ quan chức năng đã tìm thấy nghi can và xử lý xong những người liên quan đoạn clip gây xôn xao mạng xã hội của một streamer nước ngoài đến Việt Nam tối 14-9.
Dù du khách đã được xin lỗi và đền bù thiệt hại, nhưng với nhiều người, nếu dừng lại mức xử lý như vậy thì chỉ giải quyết phần ngọn. Chừng nào tình trạng hàng rong, dịch vụ bát nháo ở những con phố trung tâm của TP.HCM vẫn hiện diện thì việc “chặt chém” vẫn còn.
Cảnh “chặt chém” livestream ra thế giới
IshowSpeed là một streamer nổi tiếng hàng đầu thế giới đến Việt Nam để tham gia sự kiện và du lịch. Tối 14-9, streamer này đi khám phá thành phố và livestream cho cả thế giới xem về Việt Nam.
Thống kê cho thấy buổi livestream trên kênh YouTube IshowSpeed tối 14-9 thu hút hơn 5,5 triệu lượt xem với hơn 9.666 bình luận.
Đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, streamer này muốn trải nghiệm xe điện cân bằng ở ngay nơi đông đúc khách du lịch và bị một người làm dịch vụ đòi 100 USD. Sau khi streamer đưa tờ 500.000, người bán đòi thêm một tờ nữa. Tổng cộng “du khách” này phải trả là một triệu đồng cho một lượt trải nghiệm xe điện chỉ vài phút.
Trên trang mạng xã hội “diễn biến kéo dài tầm 40 giây” gây bức xúc, ngao ngán với nhiều người.
Anh P.Chung (TP.HCM) thốt lên: “Hành động chặt chém xấu xí này làm mất mặt du lịch, hình ảnh đất nước Việt Nam. Tôi vẫn chưa hiểu nổi tại sao có thể chặt chém ngay khi người ta stream? Vậy cảnh mua bán du khách bình thường khác thì sao?”.
Tương tự, nhiều người đã lên kênh của streamer này để xin lỗi và bày tỏ sự xấu hổ vì trải nghiệm anh gặp phải khi đến Việt Nam.
Trên thực tế, không chỉ khách du lịch nước ngoài bị “chặt chém”, bản thân du khách trong nước hay chính những người làm du lịch cũng phải chịu trận. Anh Hùng Phương (ngụ TP.HCM) cho biết vừa rồi có dẫn đoàn khách là người thân từ nước ngoài về Việt Nam du lịch vào chợ mua sắm.
“Mua đôi dép nhựa nhưng người bán nói giá 150.000 đồng, tôi vừa trả xuống 120.000 đồng thì tiểu thương bán ngay. Sau đó người bạn giới thiệu chỗ mua khác, giá đôi tương tự chỉ 40.000 đồng”, anh Phương kể lại.
Các vị khách đã rất hài lòng về cảnh đẹp, ẩm thực Việt Nam cho đến khi họ đi mua sắm.
Làm sao dẹp nạn “chặt chém”?
Bà Nguyễn Thị Khánh – chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM – cho biết “chặt chém” du khách là vấn nạn là hiệp hội luôn đau đáu khi làm việc với Sở Du lịch TP.
Dẹp tình trạng “chặt chém” du khách là mong muốn của các doanh nghiệp du lịch thành phố, đi cùng đó là thiết lập lại các dịch vụ, sản phẩm du lịch một cách quy củ hơn. Hiệp hội đã nhiều lần phối hợp, làm việc với sở để tìm các biện pháp giải quyết tình trạng “chặt chém” nhưng thỉnh thoảng lại có vài trường hợp xảy ra.
“Với đặc thù trung tâm kinh tế, du lịch của cả nước, hình ảnh điểm điểm du lịch TP có thể bị ảnh hưởng qua sự việc lần này. Chúng ta đang xây dựng một điểm đến du lịch cao cấp, dành cho khách hội họp, thành phố của những sự kiện… nên sự việc lần này rất đáng tiếc”, bà Khánh nói.
Nhiều du khách quốc tế mặc dù khen ngợi đất nước Việt Nam yên bình, nhiều món ăn ngon và giá cả hợp lý, nhưng họ vẫn không quên “nhắc nhở” nhau khi đến Việt Nam việc “các khu chợ hay quán ven đường “chặt chém” khách du lịch rất nhiều”.
Ông Vũ Thế Bình – chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam – cũng từng tiếc rẻ vì nhiều người làm du lịch Việt Nam tưởng “móc túi” được du khách quốc tế, nhưng thực ra đang tự làm mất cơ hội của mình.
Để chấm dứt tình trạng này, các doanh nghiệp đã yêu cầu cơ quan quản lý bắt buộc các dịch vụ phải niêm yết giá rõ ràng, không để tồn tại các dịch vụ tự phát, hàng rong ở những khu vực du lịch trọng điểm.
Giám đốc một công ty du lịch lớn chuyên thị trường Nhật Bản cho biết kinh nghiệm từ phát triển du lịch tại Nhật Bản cho thấy giá cả hàng hóa và dịch vụ thường được niêm yết rõ ràng và công khai, từ vé tàu điện đến thực phẩm và dịch vụ lưu trú. Các cơ sở kinh doanh lớn hoặc chuỗi cửa hàng hầu như không có tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Ở những điểm du lịch lớn như Tokyo, Kyoto, Osaka hay các khu vực như Shinjuku hoặc Harajuku, giá cả có thể cao hơn so với khu vực địa phương bình thường, nhưng điều này phần lớn là do sự chênh lệch về vị trí và chi phí hoạt động chứ không phải “chặt chém”.
Quan trọng nhất là cơ quan quản lý phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ các dịch vụ không chính thức như người bán hàng rong, các dịch vụ tự phát để tránh tình trạng lừa đảo hoặc ép giá. Ngoài ra cũng có thể dựa vào đánh giá của cộng đồng.
“Chẳng hạn tạo ra các nền tảng hoặc ứng dụng để du khách có thể dễ dàng đánh giá và chia sẻ trải nghiệm về dịch vụ tại các điểm du lịch. Các đánh giá này sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát chất lượng dịch vụ tốt hơn, đồng thời giúp các du khách khác tránh những điểm “chặt chém””, vị giám đốc nêu ý kiến.