Để phụ huynh, học sinh hiểu chính sách phân luồng và các hướng đi sau THCS, THPT, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy nói cần phối hợp tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh và học sinh về học nghề và chọn nghề phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng em.
Hình thức tuyên truyền có thể thông qua báo chí, các phương tiện truyền thông và qua phụ huynh học sinh.
Bà Thúy đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tạo thêm điều kiện cho các trường nghề, bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp, trên địa bàn có thể thuận lợi hơn khi tiếp cận tư vấn cho học sinh tại các trường THCS, THPT.
Ngoài ra, sở cũng nên có thêm chương trình hỗ trợ cho giáo viên và các trường phổ thông khi làm công tác hướng nghiệp.
Theo bà Thúy, dù được tạo thêm các điều kiện về truyền thông và tuyển sinh nhưng một điều tiên quyết là cần nâng cao chất lượng cho các trường cao đẳng, trung cấp.
Qua khảo sát, bà nhận thấy nhiều trường nghề công lập trên địa bàn TP.HCM vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong việc đầu tư cơ sở vật chất.
“Trường nghề không hấp dẫn thì làm sao phụ huynh, học sinh lựa chọn?” – bà Thúy nói và cho rằng đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước với các trường nghề công lập.
Không chỉ với phụ huynh, học sinh, nhiều trường nghề còn có nguy cơ kém hấp dẫn trong mắt doanh nghiệp. Một số trường nghề công lập chưa theo kịp với hoạt động thực tế của doanh nghiệp.
“Đào tạo nghề nhưng máy móc trong trường là cách đây 20, 30 năm thì lấy gì các doanh nghiệp thấy hấp dẫn để tuyển dụng học sinh về làm?”, bà Thúy băn khoăn.
Bà Thúy đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thể nghiên cứu học hỏi ở các nước tiên tiến hoặc các nước có chất lượng đào tạo nghề tốt để phối hợp xây dựng hoặc chuyển giao các chương trình.
Đồng thời, cần quan tâm đầu tư và đề xuất đầu tư cho cơ sở vật chất trong các trường nghề trên địa bàn TP.HCM.
Bà Thúy lưu ý thêm nhiều học sinh chọn hướng học phân luồng sẽ hoàn thành chương trình đào tạo và bắt đầu tìm kiếm việc làm khi 18 tuổi.
Vì các em ở độ tuổi còn quá trẻ, các trường cần chuẩn bị kỹ cho các em về kỹ năng nghề, kỹ năng lao động, kỹ năng làm việc để doanh nghiệp có thể an tâm tuyển dụng.
Bên cạnh đó, hai sở và các trường cần có thêm nhiều khảo sát và báo cáo về nhu cầu lao động, tình hình tuyển dụng và các yêu cầu của doanh nghiệp với các ứng viên để từ đó có những định hướng phát triển chương trình cho học sinh phù hợp.
Phân luồng học sinh đạt 26,19%
Báo cáo tại hội nghị, bà Huỳnh Lê Như Trang – phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM – thông tin kết quả báo cáo công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM bình quân đang đạt khoảng 26,19%.
Ngoài ra, hai ngành đã phối hợp, đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư các dự án đầu tư công giai đoạn 2026 – 2030 để phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học ở các trường cao đẳng, trung cấp do Sở Giáo dục và Đào tạo được phân công quản lý.
Theo đó, giai đoạn 2026 – 2030, 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo được phân công quản lý đã lập đề xuất đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.969 tỉ đồng, chiếm 55,8% trong tổng số dự án đầu tư công trung hạn thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của TP.HCM.
Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ có nhiều hoạt động phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia TP.HCM về công tác giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, phân luồng, thu thập dữ liệu, bồi dưỡng giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị…