Vì sao công ty sợi lại muốn rẽ hướng làm bất động sản?
Sáng 23-9, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng (SVD) tổ chức đại hội cổ đông bất thường.
Theo tài liệu, tại đại hội bất thường này, SVD sẽ trình thông qua việc bổ sung ngành nghề mới, ngoài lĩnh vực sợi là cốt lõi.
Theo đó, hai ngành nghề được bổ sung gồm kinh doanh bất động sản và tư vấn, môi giới đấu giá bất động sản vào hoạt động kinh doanh chính.
Ban lãnh đạo SVD cũng cho biết, tại cuộc họp diễn ra hồi tháng 6, đại hội đồng cổ đông SVD đã thông qua định hướng phát triển hoạt động kinh doanh trong năm 2024.
Theo đó, song song với việc tập trung phát triển hoạt động kinh doanh chính là sản xuất sợi, công ty này đã nhất trí thông qua việc nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội để mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
Về lý do lựa chọn bất động sản, SVD cho biết, sau một thời gian “đứng hình” vì ảnh hưởng chung bởi nền kinh tế, thị trường bất động sản đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn dưới tác động của các bộ luật mới (Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản).
Công ty này nhận thấy, số liệu thống kê chỉ ra lượt tìm mua đất trên cả nước trong quý 3-2024 đã tăng 49% so với cùng kỳ, các phân khúc khác như nhà riêng, chung cư, biệt thự cũng tăng. Bên cạnh nhu cầu khởi sắc, giá bất động sản cũng đang trên đà tăng.
Trước diễn biến nêu trên, ông Mai Anh Tuấn – chủ tịch SVD – cho biết muốn tham gia phát triển dự án bất động sản, tổng mức đầu tư phụ thuộc khả năng huy động vốn và đánh giá hiệu quả đầu tư.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng tiết lộ nguồn vốn đầu tư dự án bất động sản bao gồm cả vốn tự có và vốn huy động từ các cá nhân, tổ chức khác như phát hành tăng vốn điều lệ, trái phiếu, vay ngân hàng… Thời gian dự kiến triển khai ngay trong tháng 10-2024.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 23-9, ông Vũ Tuấn Phương – tổng giám đốc VSD – cho biết đại hội đã thống nhất thông qua việc bổ sung ngành kinh doanh bất động sản.
Ông Phương nói, doanh nghiệp sản xuất sợi nhưng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vừa qua sụt giảm. Sang năm nay đã phục hồi dần, nhưng vẫn chưa đáng kể. Đóng góp chủ yếu vào doanh thu hiện vẫn từ thị trường Nhật Bản.
Làm sợi khó khăn vì thị trường Trung Quốc sụt giảm?
Trên website, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng giới thiệu là một công ty ngành dệt may, được thành lập năm 2013, có trụ sở ở Đông Hưng, Thái Bình. Công ty này chuyên sản xuất và cung cấp các loại sợi OE (open end) trong và ngoài nước. Trung Quốc là thị trường chính của doanh nghiệp này.
Về tình hình kinh doanh, Vũ Đăng vừa trải qua hai năm (2022 và 2023) thua lỗ.
Giải trình lý do thua lỗ năm 2023, ban lãnh đạo Công ty Vũ Đăng cho biết, năm 2023 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc mất đà phục hồi, dẫn đến việc xuất khẩu bị đóng băng. Thị trường trong nước lại bị thu hẹp, do yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sản xuất sợi.
Tuy nhiên, sang 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này đã dần phục hồi. Báo cáo tài chính bán niên 2024 ghi nhận doanh thu đạt 170 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù vậy, giá vốn hàng bán cao, chiếm hơn 95%, lợi nhuận gộp của Vũ Đăng đã lãi trở lại nhưng vẫn còn thấp. Sau khi trừ các chi phí, công ty này báo lãi trước thuế gần 963 triệu đồng, cùng kỳ còn lỗ hơn 15,1 tỉ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6 năm nay, Vũ Đăng vẫn còn lỗ lũy kế gần 30 tỉ đồng. Tổng tài sản ở mức 386 tỉ đồng, còn nợ phải gần 140 tỉ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, mỗi cổ phiếu SVD có giá 3.270 đồng, tăng khoảng 15% sau 1 tuần. Mức này tăng này đóng góp chủ yếu nằm ở hai phiên tăng trần trong phiên 20-9 và 23-9 sau thông tin công ty chuyển hướng sang mảng kinh doanh bất động sản.