Theo quyết định của Cục Đường bộ, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ là đơn vị thực hiện dự án, làm thủ tục chỉ định nhà thầu thi công, quản lý tiến độ, chất lượng dự án.
Về phương án trục vớt phương tiện giao thông bị nạn trong vụ sập cầu Phong Châu, các xe bị chìm nằm ngoài nhịp dàn thép sẽ được trục vớt đưa về gần bờ, và được nâng nhấc vào bãi tập kết bằng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn.
Với các xe bị kẹt trong dàn thép, không thể trục vớt ngay, đơn vị thi công sẽ dùng cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ và 2 tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc dàn thép lên khỏi mặt nước, cắt từng nhịp. Sau đó, tàu lai dắt sẽ đưa từng nhịp giàn thép vào bờ và dùng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn đưa vào khu vực bãi tập kết.
Quá trình cắt các nhịp dàn thép, đơn vị thi công đồng thời đưa xe kẹt bên trong ra ngoài và kéo vào bờ.
Với nhịp dàn thép và xe bị bồi lấp sâu dưới cát, phù sa, đơn vị thi công sẽ sử dụng vòi xối, hút để loại bỏ cát, phù sa trước khi trục vớt.
Với bê tông mặt cầu, trụ cầu, cọc, bệ mố chìm dưới nước, nhà thầu sẽ dùng cần cẩu 400 tấn đặt trên bờ và 2 tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc lên mặt nước. Phần bê tông nhô lên đến đâu, máy xúc lắp đầu đục bê tông đặt trên tàu sẽ phá dỡ đến đó.
Do trụ T7 bị đổ không thể phá dỡ hay lai dắt, Cục Đường bộ Việt Nam chưa tính toán kinh phí xử lý.
Đơn vị liên quan sẽ thả phao cảnh báo an toàn giao thông thủy, chờ khi nước rút sẽ khảo sát tìm hướng phá dỡ trụ T7.
Theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông vận tải Phú Thọ, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết tại khu vực cầu Phong Châu kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7) lúc 10h02 ngày 9-9.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ, khi xảy ra sập cầu Phong Châu có 3 nạn nhân được cứu sống, 8 nạn nhân bị mất tích. Đến trưa 23-9 đã tìm thấy thi thể 4 nạn nhân.