Muốn tái thu phí tham quan vịnh Nha Trang phải bổ sung đầy đủ pháp lý

Biển, đảo nằm trong di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) – Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Mặc dù cách đây hơn nửa năm, từ tháng 12-2023, Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh về việc xây dựng, ban hành nghị quyết HĐND tỉnh về việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang, nhưng đến nay vẫn chưa thông qua.

6 vấn đề chưa thống nhất

Đó là đề án thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang. Theo Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa, dự thảo đề án còn 6 vấn đề có nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Sau khi khảo sát để phục vụ thẩm tra tờ trình của UBND tỉnh và UBND TP Nha Trang, Ban Văn hóa – Xã hội có báo cáo cho rằng căn cứ theo quy định pháp luật về bảo tồn, một số phân khu chức năng không được cho người dân, du khách vào tham quan.

Do vậy, các khu vực chức năng đó phải được xác định trước để có phạm vi, ranh giới thu phí và công khai thông tin để mọi người tham quan vịnh Nha Trang biết.

Nhưng trong đề án được UBND tỉnh trình vẫn chưa xác định cụ thể phạm vi, ranh giới đã nêu.

Về mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang, theo đề án đã trình có mức phí cao nhất chỉ 30.000 đồng/người/lượt.

Theo Ban Văn hóa – Xã hội, hiện nay một số địa phương có điều kiện và đặc điểm danh lam thắng cảnh tương tự vịnh Nha Trang (như Cát Bà, Cù Lao Chàm, vịnh Hạ Long…) có mức phí thu 70.000 – 250.000 đồng/người/lượt. Các địa phương đó đang tiếp tục xây dựng lộ trình tăng mức thu phí tham quan trong thời gian tới. Do vậy, phí tham quan vịnh Nha Trang cũng cần được xem xét đề xuất mức thu phù hợp.

Về phương thức thu phí, theo đề án, sẽ tổ chức thu phí tại các bến cảng (bến tàu du lịch Nha Trang, cảng Yến Sào, cảng Vinpearl, bến du thuyền và các bến khác).

Nhưng theo Ban Văn hóa – Xã hội, qua khảo sát, cách tổ chức thu phí, cơ sở hạ tầng phục vụ thu phí còn bất cập, chưa thật sự tạo được thuận lợi và hài lòng cho các doanh nghiệp kinh doanh và du khách khi nộp phí.

Vì vậy, cần phải có cách làm phù hợp từng bước và phải được cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận, cho phép.

Sau khi xem xét giải trình của các cơ quan, đơn vị liên quan, Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh bổ sung đề án thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Đồng thời, đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và du khách tham quan vịnh Nha Trang.

Từng ban hành nhiều nghị quyết về thu phí tham quan vịnh Nha Trang

Trong vòng 20 năm nay, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 6 nghị quyết liên quan đến việc thu phí tham quan tại vịnh Nha Trang.

Các nghị quyết trên được ban hành từ năm 2004 đến năm 2016, được căn cứ theo quy định của Pháp lệnh Phí và lệ phí và sau đó là Luật Phí và lệ phí.

Việc thu phí tham quan tại vịnh Nha Trang, theo quy định tại các nghị quyết đã nêu, ban đầu là thu phí tham quan Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Sau đó là thu phí tham quan cả danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang.

Cụ thể, vào tháng 3-2005, bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin có quyết định về việc xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang.

Sau đó, tháng 9-2005, theo nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định về việc quy định chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí tham quan vịnh Nha Trang (mức thu cao nhất là 5.000 đồng/người/lượt, không phân biệt người trong ngước, ngoài nước).

Thế nhưng sau khi có một doanh nghiệp không chấp nhận thu, nộp phí tham quan vịnh Nha Trang theo các nghị quyết và quyết định của tỉnh, đến tháng 12-2016 HĐND tỉnh Khánh Hòa lại ban hành nghị quyết quay lại quy định chỉ thu phí tham quan Khu bảo tồn biển Hòn Mun cho đến nay.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *