Trong hai ngày 25 và 26-9, Trung tâm đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam (SEAMEO RETRAC) tổ chức phiên họp hội đồng quản trị lần thứ 27 tại TP.HCM, với sự tham gia của nhiều giáo viên, chuyên gia từ các cơ quan thuộc bộ giáo dục các nước ASEAN.
Tại đây, các chuyên gia đã thảo luận nhiều thách thức với giáo dục tại ASEAN, trong đó có việc phát triển đội ngũ nhà giáo.
Từng tham gia nhiều dự án xây dựng trường học hạnh phúc tại Thái Lan, PGS Phonraphee Thummaphan – phó tổng thư ký văn phòng thư ký Hội đồng Nhà giáo Thái Lan (Bộ Giáo dục Thái Lan) – nhận thấy khi các thầy cô hạnh phúc, học sinh cũng sẽ hạnh phúc.
Ở những trường học hạnh phúc điển hình tại Thái Lan, một trong nhiều điểm chung là giáo viên được “giải phóng” khỏi các công việc ngoài chuyên môn như hành chính, tổ chức, sổ sách, hồ sơ…
Ông giải thích trước đây giáo viên Thái Lan rất “ngộp” trong những công việc không liên quan, khiến họ gần như không còn thời gian đầu tư cho chuyên môn. Thậm chí nhiều trường học còn bắt giáo viên phải trực đêm ở trường.
PGS Phonraphee Thummaphan nói thời gian gần đây, Bộ Giáo dục Thái Lan quyết liệt chỉ đạo các trường cởi bỏ những gánh nặng ấy cho giáo viên. Ngoài ra, giáo viên không còn bắt buộc phải tham gia những chương trình tự đánh giá hoặc những cuộc thi không cần thiết.
“Từ đó, giáo viên có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp giảng dạy mới và nâng cao kiến thức chuyên môn, từ đó cải thiện chất lượng giảng dạy”, ông Thummaphan nói.
Ngoài ra, để giúp giáo viên tập trung hơn vào chuyên môn, song song với việc giảm áp lực trong trường là các kế hoạch cải thiện đời sống. PGS Phonraphee Thummaphan thông tin trong năm 2024, Bộ Giáo dục Thái Lan tiếp tục có những bước tiếp theo các kế hoạch tăng lương cho giáo viên. Nhiều thầy cô có thể sống bằng lương và không phải làm thêm các công việc khác, giúp họ có thời gian đầu tư cho giảng dạy.
Trong khi đó, ông Lee Yan Kheng – giám đốc phát triển chuyên môn chi nhánh 1, Học viện Nhà giáo (Bộ Giáo dục Singapore) – cho biết Singapore luôn dành sự quan tâm đặc biệt giúp đội ngũ giáo viên cập nhật kiến thức, kỹ năng.
Cụ thể, Bộ Giáo dục Singapore thường xuyên tổ chức các chương trình phát triển chuyên môn liên tục cho giáo viên. Các chương trình bao gồm những khóa học, hội thảo, và các khóa đào tạo để giúp giáo viên cập nhật các phương pháp giảng dạy mới, kiến thức chuyên môn và công nghệ giáo dục hiện đại.
Nhiều trường học tại Singapore cho phép giáo viên có thời gian nghỉ phép có lương để tham gia nhiều khóa học hoặc làm nghiên cứu. Nhờ vậy, nhiều thầy cô có cơ hội học tập suốt đời mà không phải quá lo tài chính hoặc công việc.
Ngoài ra, Singapore cũng đầu tư mạnh vào công nghệ giáo dục. Giáo viên được khuyến khích sử dụng các công cụ kỹ thuật số trong giảng dạy, đồng thời được đào tạo liên tục về việc áp dụng công nghệ mới vào quá trình giảng dạy cũng như tự học của mình.
Đầu tư công nghệ cho giáo viên để không ‘đi sau’
Ông Ab Aziz bin Mamat – viện trưởng Viện Aminuddin Baki (Bộ Giáo dục Malaysia) – cho biết trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, Bộ Giáo dục Malaysia nhận thấy các giáo viên và ban giám hiệu các trường sẽ không thể đi sau.
Vì vậy thay vì chỉ chú trọng xây dựng kỹ năng số cho học sinh, ngành giáo dục nước này tổ chức nhiều chương trình nhằm phát triển năng lực số cho chính các thầy cô và lãnh đạo nhà trường.
Chẳng hạn trong chương trình MyDigital Trainers, giáo viên và đội ngũ quản lý của các trường được trang bị kiến thức, kỹ năng về các công cụ kỹ thuật số áp dụng vào giảng dạy. Họ cũng được tiếp cận các kho tài liệu mở chứa các tài liệu học tập kỹ thuật số, video hướng dẫn và nhiều nguồn hỗ trợ giảng dạy.
Theo ông Ab Aziz bin Mamat, nếu chỉ chú trọng nâng cao năng lực số cho học sinh, mà bỏ quên giáo viên và đội ngũ quản lý sẽ tạo thách thức cho quá trình chuyển đổi số giáo dục.