Giám sát và vụ án ở Nhà xuất bản Giáo Dục

Hằng năm, các gia đình phải chi một khoản không ít cho việc mua sách giáo khoa mới, nhất là các gia đình đông con, gia đình khó khăn lại càng thêm khó – Ảnh: NAM TRẦN

Vụ án này gây bức xúc vì liên quan đến hàng triệu gia đình, đến hàng triệu học sinh, vì một lĩnh vực được giám sát, soi rất kỹ từ các cơ quan chức năng nhưng rồi vẫn có đi đêm, vẫn ưu ái, vẫn hối lộ…!

Theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam không bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu mà có thể thực hiện theo quyết định ban hành riêng về mua sắm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo liên tục cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhưng trước năm 2018, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, không ban hành quyết định riêng, vẫn thực hiện theo luật và lựa chọn áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn để tổ chức lựa chọn nhà thầu cho bảy gói thầu, với trị giá mỗi gói thầu trên 1 tỉ đồng. Việc này vi phạm quy định pháp luật. Từ năm 2018, đơn vị này mới thực hiện theo quyết định ban hành riêng.

Cái sai nằm ở giai đoạn trước 2017, còn hành vi hối lộ, nhận hối lộ vẫn diễn ra ở hai giai đoạn. Trước hết phải khẳng định việc đưa nhận hối lộ không phải do tác động bởi việc lựa chọn hình thức nào trong lựa chọn nhà thầu.

Nhưng có những vướng mắc trong quy trình lựa chọn nhà thầu của quy trình xuất bản sách giáo khoa hiện nay đang chưa được giải quyết và trở thành cái cớ cho hành vi sai phạm mặc nhiên tồn tại.

Với các quy định ràng buộc trong lựa chọn nhà thầu, đơn vị xuất bản cần có số lượng in ấn, đi kèm là kế hoạch xuất bản, rồi mới tiến hành mở thầu.

Nhưng việc phê duyệt, lựa chọn sách giáo khoa trong giai đoạn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới bị kéo dài dẫn tới thời gian để triển khai các bước chọn nhà thầu bị rút ngắn.

Năm nào cũng có nguy cơ chậm cung cấp sách giáo khoa cho học sinh. Bất cập này là lý do cho đơn vị xuất bản “đi đêm”, “đi tắt” với nhà cung cấp giấy in dưới “bình phong” đảm bảo có kịp sách giáo khoa cho học sinh.

Một “cơ chế đặc biệt” để có thể mua sắm vật tư in sách giáo khoa vì mục tiêu là kịp có sách cho trẻ khi khai giảng là rất cần. Nhưng cùng với đó cũng cần công tác quản lý đặc biệt để không bị lạm dụng.

Thế nhưng, khi vướng mắc chưa được giải quyết, tình trạng “đi đêm”, “đi tắt” mặc nhiên tồn tại, vai trò của Bộ GD-ĐT lại mờ nhạt, thiếu các quy định cụ thể về kiểm soát hoạt động đấu thầu, mua sắm thường xuyên.

Đây là kẽ hở để các cá nhân điều hành đơn vị trực thuộc làm sai trong khi những vướng mắc liên quan tới quy trình nhằm đảm bảo tiến độ cung ứng sách giáo khoa cũng chưa được tháo gỡ.

Trong vấn đề xuất bản sách giáo khoa, ngoài quản lý, còn cần nói đến vai trò giám sát. Cần nhắc lại, từ năm 2017, vấn đề sách giáo khoa luôn là điểm nóng. Nóng trên nghị trường Quốc hội, trong nhiều diễn đàn, cuộc họp…

Hàng loạt vấn đề đã được nêu ra như giá sách mới gấp 3 – 4 lần sách cũ, sai sót nội dung, chậm trễ phát hành…

Trong đó, theo giải trình về giá sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo Dục, giá giấy in chiếm 30 – 40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa. Việc không minh bạch trong quy trình chọn nhà cung cấp giấy in có tác động đến giá sách.

Thế nhưng qua giám sát chưa thấy hết được kẽ hở, hay nguy cơ. Hằng năm, Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị xuất bản sách giáo khoa phải bằng mọi nỗ lực, cung ứng đủ sách cho học sinh trước năm học mới. Nhưng đồng thời với chỉ đạo đó, bộ đã căng hết mình rào chắn không để tình trạng lạm dụng “nhiệm vụ đặc biệt” cho động cơ tiêu cực hay chưa?

Hơn nữa, giám sát cũng là để góp phần ngăn chặn sai phạm từ xa. Phải chăng hoạt động giám sát đó vẫn chưa đủ sức đánh động để nhà quản lý, ở đây là Bộ GD-ĐT, phải làm hết chức trách, trách nhiệm, ngày đêm “vắt óc” tìm, phát hiện ra những lỗ hổng trong cơ chế để bịt lại.

Việc “soi”, giám sát cũng chưa đủ sức răn đe để các đơn vị, cá nhân liên quan trong lĩnh vực được giám sát – ở đây là Nhà xuất bản Giáo Dục, doanh nghiệp cung cấp giấy… – không dám làm sai. Rằng, nếu họ giám sát chặt chẽ như thế, mình không ngay thẳng, thế nào cũng có ngày bị lộ…

Vì vậy, từ vụ án này, bài học rút ra là phải làm gì đó để ngăn những vụ việc gây bức xúc như ở Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, đó là tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong mọi lĩnh vực.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *