Giúp hộ nghèo xây lại trang trại tiền tỉ
Gia đình chị Vũ Thị Hòa, ở thôn Đồng Hóa, xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện (Hải Dương) từng có hàng trăm con lợn thịt, hàng chục con lợn nái. Đang là một hộ chăn nuôi thu nhập hàng trăm triệu thì dịch tả lợn châu Phi ập đến.
Lần thứ nhất, tháng 3-2019 cả trăm con lợn chuẩn bị xuất chuồng của gia đình chị Hòa phải tiêu hủy. Cả cơ nghiệp của người nông dân bị dịch bệnh cướp đi không còn một đồng.
Vợ chồng người nông dân vay vốn ngân hàng quyết tâm gây dựng lại. Họ nuôi lợn nái, rồi lấy chính con giống ấy nuôi thịt. Chuồng trại đã gần lấp đầy thì dịch tả lợn châu Phi càn quét lần thứ hai.
Người nông dân đã mất sạch vốn liếng lại gánh thêm khoản nợ ngân hàng. Cùng lúc ấy chị Hòa lại phát hiện bị ung thư tuyến giáp, chồng chị bị viêm đa khớp. Ba đứa con đang tuổi ăn học. Hàng trăm khoản tiền phải chi, bao gánh nặng đè lên vai hai vợ chồng người nông dân khắc khổ.
Chị Hòa nhớ lại: “Ngày ấy chúng tôi có vay vốn, nhưng nhà nước chỉ cho vay với số vốn ít chứ không nhiều. Khi được vay rồi, chúng tôi dùng để tái đàn chăn nuôi lấy thêm thu nhập. Nhưng mới gây dựng lại thì dịch bệnh đến, lại mất”.
Đúng lúc gia đình chị Hòa rơi vào cảnh cùng quẫn thì chương trình “Tiếp sức nhà nông” đến với chị. Chị Hòa được vay 20 triệu đồng, không lãi suất, được tặng kèm phiếu thức ăn chăn nuôi, được hỗ trợ kỹ thuật để chống chọi với dịch bệnh… Con cái lại nhận học bổng của chương trình, được tiếp thêm nghị lực đến trường.
Thế là vợ chồng người nông dân này gạt nước mắt gây dựng lại sự nghiệp. Họ bắt đầu lại bằng chăn nuôi lợn nái. Khi con nái sinh sản, họ không bán giống mà tiếp tục chăn nuôi lợn thịt. Quy mô không được như trước ngày bị dịch tả lợn châu Phi càn quét nhưng họ chăn nuôi chắc chắn và có lãi.
Sau những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nổi, vợ chồng chị Hòa đã gây dựng lại được mô hình chăn nuôi ổn định. Ngoài đàn lợn hơn chục con, chị cải tạo ao cá gần một mẫu nuôi cá. Ba đứa con của chị đã có hai cháu tốt nghiệp đại học, cậu con trai út đang học năm thứ hai Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Tôi rất cám ơn chương trình Tiếp sức nhà nông đã quan tâm những người nông dân nghèo như chúng tôi. Những đồng vốn tuy nhỏ, những bao cám tuy bé thôi nhưng là động lực để chúng tôi quyết tâm. Đấy là động lực để gây dựng từ nhỏ đến lớn, có nhỏ mới có lớn chứ không thể nào từ không có gì mà lớn lên luôn được” – chị Hòa chia sẻ.
Hướng tới trao giải pháp cho nông dân làm kinh tế
Chị Ma Thị Hoa – thôn Vằng Quân, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) – là một trong 40 hộ nông dân ở huyện Chợ Đồn nhận vốn của chương trình.
Chị Hoa cho hay, với điều kiện sức khỏe của chị thì công việc phù hợp nhất vẫn là chăn nuôi. Chị không mơ ước gì to tát, chỉ ước có một trang trại riêng, nhỏ nhưng an toàn, sạch bệnh. Chị ước xây dựng một thương hiệu riêng mang tên mình.
“Trong những công việc từ trước tới giờ mà bản thân tôi làm thì chỉ có chăn nuôi với trồng màu là phù hợp. Mà trồng màu thì gia đình tôi không có đất. Chỉ có các hộ trong xóm người ta bỏ đất thì mình xin trồng.
Trồng ngô chẳng hạn, có ngô thì mình nghĩ ra là chăn nuôi. Tôi thích nhất là chăn gà, chăn vịt. Ở quê mà chăn nuôi được gà vịt sạch, mình tận dụng thức ăn của nông thôn thì nó vừa sạch vừa an toàn” – chị Hoa nói.
Ước mơ nhỏ nhoi ấy có lẽ sẽ không bao giờ chị chạm tới được nếu không có sự tiếp sức của cộng đồng. Chị đã được nhận 20 triệu đồng từ chương trình “Tiếp sức nhà nông”, chị được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, có thể áp dụng ngay vào mô hình của gia đình.
Khi được tập huấn, chị tự tin, mạnh dạn quy hoạch lại khu chuồng trại, chuẩn bị “vào đàn” gà mới, đàn ngan mới theo hướng an toàn, sạch bệnh. Dự kiến đến cuối năm này chị sẽ có một khoản thu kha khá cho gia đình.
Ông Nguyễn Doãn Hợi – trợ lý giám đốc điều hành dự án Farm miền Bắc 1 – cho hay trao vốn mới là bước khởi điểm. Đơn vị GREENFEED cử cán bộ kỹ thuật tiếp tục theo sát, hướng dẫn bà con chăn nuôi hiệu quả.
“Thực tế bà con ở những vùng sâu, vùng xa không chỉ thiếu vốn mà họ còn thiếu cả kinh nghiệm, kỹ thuật làm ăn. Chúng tôi có các đối tác là những nhà chăn nuôi chuyên nghiệp, họ có cách làm mới, hiện đại nên sẽ giúp được bà con thay đổi tư duy làm ăn” – ông Hợi nói.