Đề xuất người trúng tuyển giáo viên mầm non tập sự 6 tháng
Dự Luật Nhà giáo đề xuất quy định về chế độ tập sự đối với người trúng tuyển trở thành nhà giáo. Cụ thể, thời gian tập sự là 6 tháng đối với giáo viên mầm non, 9 tháng đối với nhà giáo khác không bao gồm thời gian nghỉ hè, nghỉ thai sản, nghỉ ốm đau từ 1 tháng trở lên.
Trường hợp trước khi tuyển dụng đã có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng; trường hợp tuyển dụng đặc cách thì được xem xét miễn, giảm thời gian tập sự.
Dự luật cũng bổ sung quy định mới về việc biệt phái, điều động, thuyên chuyển, phân công nhà giáo dạy liên trường với các nội dung cơ bản về nội hàm của điều động, biệt phái, thuyên chuyển và dạy liên trường.
Việc này để khắc phục tình trạng thừa – thiếu cục bộ giáo viên theo môn học, theo định mức, bảo đảm tính linh hoạt, chủ động và thống nhất trong việc sử dụng nhà giáo và kịp thời xử lý các tình huống trong công tác sử dụng nhà giáo.
Đồng thời, đảm bảo các nguyên tắc đặc thù đối với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo và các yêu cầu triển khai chương trình giáo dục.
Nhiều bộ thống nhất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày
Các bộ: Nội vụ, Y tế, Giao thông vận tải đã có ý kiến thống nhất phương án nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày liên tiếp trong năm 2025. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 9 ngày, từ ngày 25-1 đến hết ngày 2-2-2025, tức ngày 26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ.
Đối với dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm 2025, Bộ Nội vụ, Y tế, Giao thông vận tải thống nhất phương án cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 4 ngày, từ ngày 30-8 đến hết ngày 2-9-2025.
Ba bộ cũng thống nhất phương án cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 từ ngày 30-4 đến hết ngày 4-5-2025 (hoán đổi ngày làm việc thứ sáu ngày 2-5 sang thứ bảy 26-4-2025).
Các cơ quan này cũng thống nhất dự thảo văn bản do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng để trình Thủ tướng quyết định. Theo đó người lao động được nghỉ tổng cộng 11 ngày nghỉ lễ, Tết chính thức hưởng nguyên lương.
Cụ thể gồm Tết dương lịch (1 ngày), Tết âm lịch (5 ngày), Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch (1 ngày), Ngày Chiến thắng 30-4 (1 ngày), Quốc tế Lao động 1-5 (1 ngày) và Quốc khánh 2-9 (2 ngày). Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày Quốc khánh của nước họ.
TP.HCM cần 78.100 – 83.300 lao động cho 3 tháng cuối năm
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết qua khảo sát, 3 tháng cuối năm 2024 TP cần từ 78.100 – 83.300 lao động, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ chủ yếu.
Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp trọng điểm cần từ 12.000 – 12.800 lao động (chiếm 15,39% tổng nhu cầu nhân lực). Trong đó, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược – cao su và plastic chiếm 1,87%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,12%; ngành cơ khí chiếm 6,67%.
Nhóm ngành dịch vụ chủ yếu cần từ 47.500 – 50.700 lao động, chiếm 60,91% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ chiếm hơn 25,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm hơn 3,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm gần 5%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 6,8%…
Theo bà Nguyễn Hoàng Hiếu – giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, với việc nhu cầu sản xuất, tiêu dùng dịp Tết Ất Tỵ năm 2025 tăng, dự kiến thị trường lao động 3 tháng cuối năm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với người lao động, bà Hiếu khuyến nghị luôn chủ động cập nhật kiến thức chuyên môn, trang bị kỹ năng nghề, có thái độ làm việc tích cực, sẵn sàng đáp ứng thay đổi của thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã và đang làm phát sinh hình thức việc làm mới và thay đổi trong cấu trúc, tổ chức công việc…
Nắng mưa thất thường, nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp, tiêu hóa…
Thông tin từ BS.CK2 Nguyễn Thanh Hải – trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), từ đầu tháng 9 đến nay, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhi đến khám bệnh hô hấp (viêm mũi họng, viêm amidan…), tiêu hóa (rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng thức ăn) và nhiễm (sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng). Số bệnh nhi đến khám tăng khoảng 1-2% so với giai đoạn tháng 6, 7, 8.
Nguyên nhân, theo bác sĩ Hải, do thời tiết mưa nắng thất thường các loại vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh. Cạnh đó, trẻ chuyển từ trạng thái nghỉ ngơi sang trạng thái học tập nên nhiều cháu bị stress, lo lắng, căng thẳng, cùng hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh dễ nhiễm bệnh…
Ông khuyến cáo phụ huynh nên tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho ăn uống đủ các nhóm chất dinh dưỡng, tập thói quen ngủ sớm và dậy sớm, khuyến khích trẻ vận động; nhắc trẻ thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, che miệng và mũi khi ho; tiêm ngừa đầy đủ…
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh, phụ huynh sớm đưa trẻ đi thăm khám và báo giáo viên chủ nhiệm, tránh lây bệnh cho các bạn khác trong lớp.