South China Morning Post (SCMP), một tờ báo Hong Kong thuộc Alibaba Group (có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc đại lục), đã đưa ra con số thống kê trên ngày 6-7.
Dựa trên số liệu của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), SCMP cho biết số vụ bắt giữ quan chức cấp cao “nhúng chàm” trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng so với con số 22 người cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ trong sáu tháng qua, đã có 36 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý đã sa lưới. CCDI gọi đây là những “con hổ” tham nhũng, chỉ việc họ nắm giữ vị trí từ cấp thứ trưởng trở lên hoặc thấp hơn một chút là lãnh đạo chủ chốt trong các lĩnh vực quan trọng.
8 trong số 36 người bị bắt giữ trong nửa đầu năm giữ các chức vụ trong các cơ quan Đảng cấp trung ương và nhà nước. 20 người trong số này đến từ chính quyền địa phương hoặc các cơ quan đảng, cho thấy các nhà điều tra đã mở rộng mạng lưới.
Các vụ lớn nhất liên quan đến cựu bộ trưởng Nông nghiệp Tang Renjian, cựu bộ trưởng Tư pháp Tang Yijun, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Gou Zhongwen, cựu phó Ban Tuyên giáo Zhang Jiancun và Zhong Ziran, cựu giám đốc Cơ quan khảo sát địa chất Trung Quốc.
Ở địa phương, những người “ngã ngựa” đáng chú ý bao gồm cựu bí thư Khu ủy Tây Tạng Wu Yingjie, phó tỉnh trưởng Cam Túc Yang Zixing và người đồng cấp của ông ở tỉnh Vân Nam, Li Shisong.
Li Shisong là thành viên dự khuyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa hiện tại bị vướng vào một cuộc điều tra tham nhũng.
CCDI tuyên bố bắt giữ ông vào ngày 25-6 vừa qua, chỉ ba tuần trước khi cơ quan này họp phiên họp toàn thể lần thứ ba vào ngày 15-7 tới.
Ngoài những cái tên kể trên, một số nhân vật nổi tiếng khác bị CCDI hạ bệ trong sáu tháng bao gồm cả Liu Yuejin, cựu giám đốc Cơ quan chống khủng bố và chống ma túy nổi tiếng của Trung Quốc.
Sự sụp đổ của Liu Yuejin “đặc biệt gây sốc”, theo SCMP, vì ông được biết đến là một trong những sĩ quan chống ma túy giỏi nhất đất nước, từng giải quyết nhiều vụ án lớn trước khi nắm Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc gia Trung Quốc vào tháng 5-2015.
Trung Quốc chống tham nhũng không có vùng cấm
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng sau khi lên nắm quyền năm 2012.
Chiến dịch này còn được gọi là “đả hổ, diệt ruồi”, trong đó “hổ” là quan chức cấp cao cả đương nhiệm lẫn về hưu và tham nhũng lớn, “ruồi” là quan chức cấp thấp và tham nhũng nhỏ.
Một nhà khoa học chính trị từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết những cuộc điều tra gần đây cho thấy các thành tích trong quá khứ, chuyên môn xuất sắc hoặc các mối quan hệ chính trị của những người đã nhúng chàm không còn là con bài thương lượng với CCDI nữa.