Giả mạo xuất xứ nông sản Đà Lạt, có xử lý hình sự được không?

Công an tỉnh Lâm Đồng kiểm tra một cơ sở làm giả xuất xứ nông sản Đà Lạt – Ảnh: L.A.

Ngày 26-9, tại tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt”, có ý kiến nêu ra rằng cần mạnh tay với hành vi giả mạo xuất xứ nông sản Đà Lạt. 

Tọa đàm do UBND TP Đà Lạt và báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức.

Các đại biểu cho rằng mạnh tay xử lý là cần thiết bởi nạn làm giả xuất xứ nông sản đã diễn ra quá lâu, gây thiệt hại lớn cho kinh tế nông nghiệp của TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.

Hành vi giả mạo xuất xứ làm mất niềm tin của người tiêu dùng, cản trở quá trình hình thành các sản phẩm nông nghiệp có tính thương mại toàn cầu.

Ông Trần Huy Đường, chủ nông trại Langbiang Farm, cho rằng ngoài khoai tây, cà rốt, còn có nho, táo, lê… cũng bị giả xuất xứ các nước nhập khẩu.

Ông Đường cho rằng tự xây dựng thương hiệu cho nông trại, nông hộ là cách bảo vệ tốt để tránh bị nạn giả mạo xuất xứ xâm hại.

Nông dân phải có mã QR Code, phải có mã số vùng trồng. Mã số phải làm chi tiết đến từng lô sản xuất, phải được cơ quan quản lý chứng nhận.

“Ngoài ra, theo tôi, phải có nhãn phụ thông tin nơi sản xuất để tránh tình trạng hàng không rõ nguồn gốc “đánh lận con đen” vào siêu thị, nếu vi phạm kiểm soát phải xử lý nghiêm” – ông Đường đề nghị.

Giả mạo xuất xứ nông sản Đà Lạt, có xử lý hình sự được không? - Ảnh 3.

Tọa đàm “Giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt” – Ảnh: M.V.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân – phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai – đồng ý ở góc độ bảo vệ nông sản Đà Lạt thông qua các cơ chế “mềm”. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng đôi khi cũng cần cứng rắn hơn trong cách xử lý.

“Việc xử lý giả mạo xuất xứ theo hướng hình sự để răn đe là có cơ sở. Tuy nhiên, cần cơ quan quản lý của vùng nông sản Đà Lạt là UBND tỉnh Lâm Đồng công bố chất lượng sản phẩm cho nông sản Đà Lạt. Việc công bố sẽ hình thành một cơ sở pháp lý để xử lý theo quy định hiện hành”, luật sư Quân nêu ý kiến.

Tiến sĩ Dương Thái Trung – chuyên viên cao cấp Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương – phân tích: Đây là hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, giả mạo xuất xứ hàng hóa, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Theo ông Trung, nếu xử lý chặt chẽ, sát với các quy định hiện hành, chúng ta sẽ giảm được thiệt hại cho người tiêu dùng, chi phí quản lý chất lượng nông sản lưu thông trên thị trường.

Ông Phạm S – phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – cho biết tỉnh Lâm Đồng sẽ có giải pháp nhận diện nông sản Đà Lạt bằng các ứng dựng công nghệ thông tin trong thời gian tới. Thực tế tỉnh đã đặt hàng các trường, viện nghiên cứu thực hiện từ kinh phí của nhà nước.

Cần một trung tâm giao dịch nông sản Đà Lạt

Ông Phạm Văn Cường – phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng – nhìn nhận sau nhiều năm việc làm giả xuất xứ khoai tây đã bị đẩy dạt ra vùng ven. Ở góc độ nào đó cho thấy việc bảo vệ nông sản Đà Lạt đã có hiệu quả. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử phạt.

Về lâu dài, Đà Lạt nên có một trung tâm giao dịch nông sản xuất xứ Đà Lạt. Trung tâm này không chỉ có giá trị mua bán, mà lớn hơn là quảng bá cho nông sản Đà Lạt, giúp người dân dễ nhận diện. Khi kiến thức tiêu dùng được nâng cao thì người mua được bảo vệ.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *