Chương trình “Việt Nam Tái Chế” mở ra cơ hội hóa xanh cho rác thải điện tử. Ảnh: Việt Nam Tái Chế
Bức tranh tổng quan về rác thải điện tử
Theo báo cáo của Tổ chức Quốc tế về rác thải điện tử (Global E – waste Statistics Partnership), lượng rác thải điện tử toàn cầu đạt 59 triệu tấn vào năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 400.000 tấn rác thải điện tử được phát sinh, con số không dừng mà tiếp tục biến đổi.
Tỉ lệ nghịch với nhu cầu sử dụng phổ biến là mức độ nhận thức còn quá hạn chế của người dân về tác hại của rác thải điện tử cũng như tầm quan trọng của việc tái chế. Đáng lo ngại hơn, đa phần thiết bị rác thải chứa nhiều kim loại nặng và độc hại như chì, thủy ngân, cadmium,…khi không còn dùng, số ít đem bán ve chai phế liệu, nhưng số nhiều thì tiện tay vứt bỏ chung cùng rác thải sinh hoạt.
Rác được chở đến bãi tập kết ở ngoại ô của các thành phố lớn và vùng nông thôn rồi tiến hành tiêu hủy thủ công bằng cách đốt hoặc chôn lấp gây ô nhiễm, tác động tiêu cực tới môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo với những hộ dân sống gần đó.
Quá trình đô thị hóa khiến khối lượng rác thải điện tử ngày một chồng chất, dần dần đè nặng, nhưng năng lực tái chế còn khá yếu kém, cách thức xử lý lúng túng chưa đúng và khả thi mà cốt lõi là thiếu kinh phí tài chính để xây dựng một quy trình tái chế rác thải điện tử theo quy chuẩn quốc gia.
“Việt Nam Tái Chế” là một bước tiến chủ chốt giúp xanh hóa rác thải điện tử
Hoạt động của tổ chức dựa trên nguyên tắc tự nguyện, được áp dụng cho cả nhà sản xuất và khách hàng tiêu dùng đầu cuối.
Từ các địa điểm chỉ định, các sản phẩm điện, điện tử như điện thoại, laptop, tivi, tủ lạnh, đầu đĩa, máy ảnh,…và các thiết bị gia dụng văn phòng khác bị lỗi, hết niên hạn tuổi thọ và đã qua sử dụng, sau khi được thu nhận từ các thùng chứa riêng biệt sẽ vận chuyển bằng xe tải dân dụng đến nhà máy tái chế được trang bị công nghệ tiên tiến và hệ thống kĩ thuật cao để xử lý một cách khoa học.
Tại đây sẽ tập trung phân loại, tháo dỡ và bóc tách các linh kiện điện tử tái sử dụng được để đưa vào sản xuất thiết bị mới, giúp cắt bớt yêu cầu đòi hỏi về nguyên liệu thô; chiết xuất kim loại quý như vàng, bạc, đồng đảm bảo đạt được tỉ lệ thu hồi tối đa, tránh khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đối với những linh kiện không còn giá trị sử dụng sẽ đem đi phân hủy theo quy trình khép kín, chuyên nghiệp và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt, giảm thiểu ảnh hưởng xấu rình rập sức khỏe con người cũng như nhẹ gánh chi phí xử lý rác thải.
Nhớ lại dấu mốc năm 2015, thời điểm bắt đầu triển khai chương tình, các tình nguyện viên gặp phải vô vàn khó khăn khi phải đến tận nơi, gõ cửa từng nhà, vừa giải thích để người dân hiểu về tầm quan trọng, lợi ích mà tái chế rác thải điện tử mang đến cho môi trường, kinh tế và xã hội, vừa cố gắng thuyết phục các gia đình đồng ý cho trực tiếp thu gom.
Thu gom thiết bị điện tử cũ tận nhà người dân. Ảnh: Việt Nam Tái Chế
“Việt Nam Tái Chế” đã đề xuất phát động chiến dịch 10.000 cam kết mục tiêu “Thải bỏ rác thải điện tử một cách có trách nhiệm”. Chủ động triển khai hàng loạt chiến dịch như ra quân chạy xe diễu hành trên các trục đường giao thông chính, phát tờ rơi, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thăm dò ý kiến.
Khuyến khích hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng tái chế. Phối hợp cùng UBND địa phương thực hiện các buổi hội thảo giao lưu, giáo dục, thu hồi rác thải điện tử ở khu dân cư, trường học.
Thông qua hoạt động quảng bá đầy ý nghĩa, ưu tiên đổi rác lấy quà tại Ngày hội tái chế hay Ngày hội sống xanh nhằm mục đích nâng cao hiểu biết, thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng của cộng đồng, kêu gọi người dân thực hành cẩm nang 3T: Tiết giảm, Tái sử dụng và Tái chế chất thải, hình thành thói quen mang thiết bị điện tử cũ đến địa điểm thu gom.
Thêm vào đó “Việt Nam Tái Chế” cùng lúc thiết lập mạng lưới thu thập rác thải điện tử, phạm vi phủ sóng tại các cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại và khu vực công cộng ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tính đến nay đếm trên đầu ngón tay ở hai thành phố này có tổng tất cả là 10 trạm thu gom cho phép người dân dễ dàng tiếp cận.
Tín hiệu đáng mừng là nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ, chương trình đã gặt hái trái ngọt, nhận lại một chuỗi dài kết quả tích cực, khả quan. “Việt Nam Tái Chế” đại diện cho một hình mẫu lý tưởng giúp giải quyết vấn đề rác thải điện tử, hứa hẹn mở ra một kỉ nguyên xanh và hướng tới tương lai ổn định.
Diễu hành bằng xe đạp và lan truyền thông điệp về tái chế rác thải điện tử. Ảnh: Việt Nam Tái Chế
Đổi rác nhận quà tại sự kiện của Ngày hội sống xanh. Ảnh: Việt Nam Tái Chế