Cả triệu hóa đơn khống từ doanh nghiệp ma, ngành thuế kêu ‘quá tinh vi’

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết hiện nay doanh nghiệp ma rất tinh vi, có khi chỉ tồn tại 1 tháng – Ảnh: T.T.D

Nơm nớp lo hóa đơn “có vấn đề”

Tại hội nghị đối thoại giữa Tổng cục Thuế và 300 doanh nghiệp phía Nam ngày hôm nay, 27-9, ông Mai Sơn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết nạn doanh nghiệp ma, mua bán hóa đơn hiện nay quá tinh vi, dẫn đến rủi ro rất lớn cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan thuế.

“Cuối năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án đối với 100 bị cáo trong vụ án đường dây mua bán hóa đơn giá trị gia tăng với doanh số gần 64.000 tỉ đồng.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đường dây mua bán này liên quan đến 637 doanh nghiệp. Từ đó xuất hơn 1,052 triệu hóa đơn, cho 88.053 doanh nghiệp sử dụng. Thống kê sơ bộ, doanh thu VAT khấu trừ 3.315 tỉ đồng”, ông Mai Sơn thông tin.

Đáng chú ý, theo Tổng cục Thuế, số hóa đơn mua bán bất hợp pháp kể trên chủ yếu đưa vào địa bàn TP.HCM.

Cơ quan thuế TP.HCM và các đơn vị có liên quan tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng theo thẩm quyền, để xử lý với việc dùng các hóa đơn trên kê khai thuế giá trị gia tăng, hạch toán chi phí, hay đưa vào hồ sơ hoàn thuế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết chính tình trạng hàng triệu hóa đơn khống từ các doanh nghiệp ma này tạo ra nỗi lo cho doanh nghiệp về việc có thể sử dụng phải hóa đơn của người mua bán bất hợp pháp ở khâu trước đó.

“Khâu doanh nghiệp mua là thật, nhưng khâu trước đó lại không thật. Chúng tôi hướng đến môi trường hóa đơn sạch, để hóa đơn đến tay doanh nghiệp sẽ không còn phải lo nó “có vấn đề”, nơm nớp lo bị loại ra khỏi chi phí”, ông nói.

Theo ông Thành, trong thời gian sớm nhất có thể, cơ quan thuế tạo môi trường kỹ thuật để người gian lận không xuất hóa đơn được, không còn đất diễn, từ đó giúp doanh nghiệp kiểm soát, “hướng đến môi trường hóa đơn sạch”.

“Ở đây có lẽ phần lớn đã từng nhận được rất nhiều email rao bán hóa đơn. Khi tình trạng mua bán hóa đơn còn nhan nhản như vậy thì làm sao cơ quan thuế có thể yên tâm được. Nói cách khác là rất rủi ro cho cơ quan thuế”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, vòng đời của doanh nghiệp ma hiện nay rất ngắn. Trước kia doanh nghiệp ma có thể tồn tại hàng năm, nhưng hiện nay chỉ tồn tại một tháng.

Cứ thành lập, xuất hóa đơn xong chuồn trước kỳ kê khai thuế, dẫn đến rủi ro rất lớn để lại cho cơ quan thuế, doanh nghiệp vì những hóa đơn gian lận này đi vào doanh nghiệp.

“Cơ quan thuế được Nhà nước giao quản lý thuế, nên phải cẩn trọng. Vì hóa đơn này còn đi vào hồ sơ hoàn thuế, muốn chiếm đoạt ngân sách nhà nước. Ngành thuế rất mong muốn không vấp phải, ảnh hưởng đến doanh nghiệp lẫn cán bộ thuế”, ông Thành nói.

Mong muốn không còn phải tổ chức những hội nghị “gỡ vướng”

Cả triệu hóa đơn khống từ doanh nghiệp ma, ngành thuế kêu 'quá tinh vi' - Ảnh 2.

Doanh nghiệp trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành (thứ 4 từ trái qua) – Ảnh: T.T.D

Ông Thành cũng bày tỏ mong muốn sau này không phải tổ chức những hội nghị gỡ vướng như thế này mà là hội nghị để doanh nghiệp hiến kế cho ngành thuế.

Ở hội nghị đó, doanh nghiệp hiến kế rằng thuế nên làm thế này, chính sách thế này. “Thay vì chúng ta cứ vòng vo vần vò lẫn nhau, trong sự chưa chắc chắn.

Cơ quan thuế cũng rất lo khi thanh tra, kiểm toán, không biết đối với doanh nghiệp có chắc chắn hay không, người nộp thuế cũng không biết có chắc chắn hay không.

Vậy quản trị làm sao được rủi ro của doanh nghiệp, cơ quan thuế làm sao quản trị được rủi ro cho mình”, ông Thành nói, đồng thời nhấn mạnh cả hai bên cần cùng quản trị rủi ro.

Cơ quan thuế mong người nộp thuế tham gia tích cực hơn trong xây dựng chính sách. Thời gian qua, khi ngành thuế lấy ý kiến xây dựng chính sách thì doanh nghiệp không nhiệt tình. Đến khi thực hiện vướng đủ thứ thì phê phán là người làm chính sách ở… trên trời.

Ông cũng lưu ý các cục thuế phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan tham mưu ban hành chính sách cũng cần tích cực hơn nữa.

“Rõ ràng có những câu hỏi hoàn toàn thuộc thẩm quyền của địa phương, nhưng để đến hôm nay Tổng cục Thuế có hội nghị đối thoại mới được mang ra nói.

Cơ quan thuế nên tích cực, chủ động, thân thiện hơn nữa với người dân, doanh nghiệp trong thực thi công vụ.

Sau hội nghị này phải giải quyết ngay các vấn đề tồn đọng tương tự ở các địa phương đã được nêu, vấn đề nào rõ rồi phải giải quyết, không để vấn đề rơi vào im lặng nữa”, ông Thành nhấn mạnh.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *