Theo tờ New York Times, trong 2 tuần qua, Lực lượng tuần duyên Mỹ đã tổ chức các phiên điều trần về vụ tàu lặn Titan ngắm xác tàu Titanic phát nổ cách đây 15 tháng dưới đáy Bắc Đại Tây Dương, khiến 5 người thiệt mạng.
Lực lượng tuần duyên đã đăng tải các video về xác tàu Titan nằm sâu 3km dưới mặt nước, cũng như nhật ký chi tiết về trao đổi giữa tàu Titan và tàu mẹ, cùng với hàng loạt tài liệu và lời khai của hơn 20 nhân chứng, bao gồm cả những cựu nhân viên của Công ty Ocean – đơn vị sản xuất con tàu.
Nhân viên của OceanGate từng cảnh báo về mức độ an toàn
Cựu giám đốc điều hành hoạt động hàng hải của OceanGate, ông David Lochridge cho biết công ty này chỉ tập trung vào lợi nhuận thay vì đảm bảo an toàn kỹ thuật của tàu.
OceanGate thu tới 250.000 USD để khách hàng được xem tận mắt xác tàu Titanic, nhưng lại không biện pháp đảm bảo tính an toàn của con tàu lặn. Ông Lochridge đã bị sa thải vào năm 2018 khi lên tiếng về những lo ngại của mình.
Trong khi đó, vào năm 2019, cựu giám đốc kỹ thuật Tony Nissen kể rằng ông đã cảnh báo người đồng sáng lập OceanGate Stockton Rush (người cũng đã thiệt mạng trong vụ nổ tàu lặn Titan) rằng tàu “không hoạt động như dự tính”. Cùng năm, ông Nissen đã ngăn tàu Titan lặn xuống xem xác tàu Titanic nhưng ông đã bị sa thải sau đó.
Ông Phil Brooks, giám đốc kỹ thuật của OceanGate từ năm 2021 (đã nghỉ việc chỉ vài tháng trước vụ nổ tàu Titan), cho biết công ty đã gặp khó khăn về tài chính và chính việc này đã làm ảnh hưởng đến việc duy trì các biện pháp an toàn của tàu.
Các đội cứu hộ đã phát hiện ra điều gì?
Sau khi tàu Titan mất tích, các đội cứu hộ dã sử dụng robot để quét đáy biển và tìm thấy các mảnh vỡ của tàu. Các đội tìm kiếm lập bản đồ về khu vực có các mảnh vỡ, dài khoảng 300m và rộng gần 140m. Điều này cho thấy con tàu Titan đã phát nổ cực mạnh, có thể do áp lực cực lớn dưới biển.
Báo cáo từ phiên điều trần cũng cho biết hài cốt được cho là của 5 nạn nhân đã được đưa đến một căn cứ quân sự để giám định ADN.
Hành khách của nắm được rủi ro không?
Có và không. Bản miễn trừ trách nhiệm pháp lý dài 4 trang của OceanGate nêu rất rõ các chi tiết về rủi ro có thể xảy đến với hành khách, bao gồm cả nguy cơ thương tật nặng vĩnh viễn hoặc tạm thời, thậm chí là thiệt mạng.
“Tôi biết rủi ro mình đang phải đối mặt nhưng vẫn quyết định đi”, một thợ lặn có tên Renata Rojas, người từng tham gia chuyến đi trên tàu Titan vào năm 2022, làm chứng tại phiên điều trần.
Một số nhân chứng khác lại cho rằng công chúng nhìn chung không hiểu hết được mức độ quan trọng khi tàu Titan không có chứng nhận an toàn chính thức từ các tổ chức hàng hải.
Hành khách trên tàu có nhận ra điều không ổn?
Không. Bản báo cáo ban đầu của phiên điều trần cho biết không có tín hiệu thông báo sự cố hay trường hợp khẩn cấp nào được gửi đi từ tàu Titan. Năm ngoái, trên mạng lan truyền đoạn nhật ký liên lạc giả mạo cho biết những người trong tàu đã cố gắng để nổi lên mặt nước.
Các chuyên gia từng nhận định việc tàu Titan giảm bớt trọng lượng vào phút chót cho thấy tàu đang gặp nguy hiểm.
Tuy nhiên ông Tym Catterson – một cựu nhà thầu của OceanGate – khẳng định việc thả 2 khối trọng lượng (tổng khoảng 31kg) là để đạt được độ nổi ổn định, giúp tàu kiểm soát tốt hơn khi gần đến đáy biển, chứ không phải là để tàu nổi lên trên mặt nước trong tình huống nguy cấp.
Tại sao tàu Titan lại phát nổ?
Đây là câu hỏi khó nhất và có lẽ sẽ không có câu trả lời đầy đủ cho đến khi Lực lượng tuần duyên Mỹ công bố báo cáo chính thức, và có thể phải chờ đến năm sau thì mới đưa ra.
Ông Catterson, từng là nhà thầu của OceanGate, cho rằng áp lực cực lớn dưới biển có thể đã khiến thân tàu Titan bị cong nhẹ ở giữa và dần làm biến dạng tàu. Áp lực tăng dần khiến con tàu phát nổ.
Ông Donald Kramer, kỹ sư vật liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, cho biết thân tàu Titan làm bằng sợi carbon có nhiều khuyết điểm như các lỗ, khoảng trống và nếp nhăn, làm suy yếu cấu trúc bảo vệ con tàu.
Tác động của phiên điều trần
Tại họp báo trước phiên điều trần, ông Jason Neubauer, trưởng nhóm điều tra, cho biết phiên điều trần là bước quan trọng để hiểu rõ nguyên nhân của thảm kịch này và quan trọng hơn hết là những hành động cần làm để ngăn một sự cố tương tự xảy ra.
Thảm kịch tàu Titan khiến thế giới phải suy ngẫm lại về cách thức khám phá đại dương một cách an toàn. Vụ việc có thể dẫn đến những cải cách về quy định, chẳng hạn như yêu cầu chứng nhận an toàn bắt buộc cho các tàu lặn sâu.