Ngày 28-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh bị ảnh hưởng sau bão lũ.
Hỗ trợ sớm để người dân đưa vào nuôi rong biển, hàu
Tại hội nghị, ông Ngô Hùng Dũng – Giám đốc Công ty CP thủy sản Tân An (Quảng Ninh) cho biết hàng chục năm đầu tư nuôi trồng thủy sản, ông chưa thấy cơn bão nào gây thiệt hại nặng nề như bão số 3 (Yagi).
Gần 4.000 tấn hàu gần cho thu hoạch không còn con nào. Doanh nghiệp không tìm lại được gì trên biển. Hai cơ sở nuôi trong đất liền của doanh nghiệp cũng bị thiệt hại hoàn toàn.
“Thiệt hại về nuôi trồng thủy sản rất lớn rồi, nhưng để khắc phục nhanh thì chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp tạo nhanh sự hỗ trợ cho nhân dân để đưa vào đối tượng nuôi ngắn ngày nhất, đặc biệt rong biển, hàu để tạo sinh kế cho bà con có nguồn thu và phục hồi cấp bách.
Chúng ta phải lấy ngắn nuôi dài, thay vì nuôi cá mất đến 3 năm mới có thể thu hoạch thì sẽ khó khôi phục” – ông Dũng nói.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng, hướng dẫn địa phương có quy trình, hạ tầng để ứng phó với những thiên tai khắc nghiệt, điển hình như với bão giật cấp 17.
“Theo đó, các trang trại, lồng bè… được xây dựng ở những nơi có nguy cơ thiên tai lớn thì cần có những điều kiện, tiêu chuẩn, công nghệ… như thế nào?” – ông Thọ nói và đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục nghiên cứu chính sách đề xuất Chính phủ hỗ trợ bà con sau thiên tai, để bà con yên tâm khôi phục sản xuất.
Điều tiết đưa giống thủy sản từ miền Nam ra Bắc
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng dù chúng ta có kinh nghiệm ứng phó với bão lũ nhưng sau bão số 3 lại có những kinh nghiệm mới. Hơn nữa các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo với sức chống chịu của bão mạnh.
Với cơn bão mạnh như bão Yagi (bão số 3) thì những quy chuẩn về lồng bè, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão phải nâng cấp lên một bước nữa để chống chịu với gió bão mạnh trên cấp 12.
Theo báo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 30.137 ha. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão khoảng 6.180 tỉ đồng.
Trước những thiệt hại trên, ông Luân cho hay ngoài các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, Cục Thủy sản đã kêu gọi hiệp hội, doanh nghiệp kết nối khôi phục sản xuất.
“Hiện nay có 23 doanh nghiệp cam kết hỗ trợ giống, thức ăn, vật tư, tiền mặt với tổng giá trị trên 90 tỉ đồng. Hôm qua, thứ trưởng Tiến đã trao giống rong cho một hợp tác xã ở Vân Đồn, Quảng Ninh và dự kiến 3 tháng sau sẽ cho thu hoạch.
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Viện Hải sản được Bộ giao giúp cho các địa phương giám sát môi trường nuôi, môi trường đạt điều kiện và ổn định thì mới thả giống, chứ không vội vàng thả giống khi chưa dọn dẹp sạch sẽ thì sẽ bị thiệt hại tiếp” – ông Luân nói.
Ông Luân cũng đề nghị các tỉnh như Ninh Bình, Nam Định chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống hàu tăng khả năng sản xuất để cung cấp cho các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh.
“Cục sẽ điều tiết để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống ở phía Nam ra, cùng với đó có thể nhập khẩu giống từ Trung Quốc về để khôi phục nuôi biển” – ông Luân nói.
190 tỉ đồng hỗ trợ khôi phục chăn nuôi, thủy sản
Tại hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội đã trao tặng giống, vật tư và tiền mặt cho ngành thủy sản, chăn nuôi với tổng số tiền 190 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao sự vào cuộc hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Đây không chỉ là sự chia sẻ, trách nhiệm xã hội mà cũng là thị phần, thị trường của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với nỗ lực của cả toàn hệ thống chính trị, xã hội, nông nghiệp sẽ sớm vượt qua khó khăn để về đích hoàn thành các mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.