Theo báo New York Times, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa để lộ điểm yếu cố hữu của mình trong cuộc phỏng vấn riêng được Đài MSNBC phát sóng hôm 25-9.
Kỹ năng trả lời báo chí chưa tốt
Đây là cuộc phỏng vấn riêng với đài truyền hình lớn đầu tiên của bà Harris, từ khi bà tiếp quản vị trí ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
Phó tổng thống Mỹ bị đánh giá đã không thật sự làm tốt trong cuộc phỏng vấn trên. Bà thường chậm đưa ra câu trả lời, hay dùng những cụm từ câu giờ, mẫu câu được chuẩn bị từ trước hoặc có những diễn ngôn rối rắm, khó hiểu.
Khi được hỏi sẽ nói gì với “những người Mỹ không cho rằng chính sách kinh tế của bà có lợi cho họ”, ứng viên bên Đảng Dân chủ chỉ đáp quanh co: “Nếu bạn chăm chỉ, có ước mơ và tham vọng, bạn hưởng lợi từ kế hoạch của tôi.
Tôi muốn nói rằng tôi thật sự yêu tinh thần và phẩm chất người dân Mỹ mà tôi biết. Và tôi cảm thấy phấn chấn vì điều đó”.
Bà Harris cũng nổi tiếng với việc dùng đi dùng lại một số luận điểm, nổi tiếng trong đó là câu nói “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu”.
Dù là một ứng viên tổng thống, bà Harris vẫn thường né tránh các cuộc phỏng vấn với báo chí.
Ông Dan Morain – nhà báo chuyên đưa tin về bà Harris từ năm 2010 – nhận xét: “Bà ấy biết nhiều. Bà hiểu tường tận các vấn đề. Bà ấy rất giỏi trong việc trả lời câu hỏi, và cũng rất giỏi trong việc né tránh các câu hỏi”.
Theo ông Morain, phó tổng thống Mỹ hiếm khi dồn công dồn sức vào việc trao đổi với báo chí vì bà hiểu bà không nhất thiết phải liều lĩnh làm việc đó.
Quay lại hồi năm 2021, bà Harris có cuộc phỏng vấn “khá tai hại” trên Đài NBC. Cuộc phỏng vấn đó ảnh hưởng lớn đến sự tự tin của bà và bà đã tránh mặt báo chí trong một năm trời.
Những phóng viên chuyên đưa tin về phó tổng thống cho rằng bà Harris sợ “vạ miệng” và gây ảnh hưởng đến Nhà Trắng.
Quá khứ khác với chính trị gia chuyên nghiệp
Việc kiệm lời với báo chí phần nào giúp tần suất những trường hợp “vạ miệng” như trên giảm xuống.
Tuy nhiên, những đối thủ và người không có thiện cảm với bà lại xem đó là cái cớ để châm chọc. Luận điểm của những người này là bà Harris không trả lời phỏng vấn cho thấy bà ấy đang giấu giếm điều gì đó.
Giới báo chí Mỹ cũng “đánh hơi” được điểm yếu trên. Họ cho rằng nếu ai đó muốn tranh cử tổng thống, họ phải sẵn sàng và có khả năng trả lời câu hỏi từ những nhà báo khách quan.
Báo New York Times nhận định điểm yếu trên phần nào đến từ xuất thân làm công tố viên của bà. Trong vai trò này, bà Harris quen với việc thẩm vấn, đưa ra những câu hỏi hóc búa, chứ không phải ở vị trí người được hỏi.
Điều này cũng giải thích việc bà có kỹ năng tranh luận rất tốt, sử dụng khéo léo cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể để “khẩu chiến” với bất kỳ đối thủ nào.
Khác với các chính trị gia lão luyện, bà Harris từng không thường xuyên phải trả lời báo chí, càng ít có kinh nghiệm xử lý các nhà báo. Trong những dịp hiếm hoi phải ra mặt, bà cũng có sẵn khung những điều được nói và không được nói theo quy định pháp luật.
Do đó tính đa dạng, muôn màu muôn vẻ của những cuộc phỏng vấn chính trị không thường mang lại lợi thế cho phó tổng thống Mỹ.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.