Miễn, giảm phí cho người dân gần trạm BOT: Cần trở thành quy định chung

Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 19 qua xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang (Gia Lai) miễn phí qua trạm cho dân sống trong bán kính 2km – Ảnh: TẤN LỰC

Trong khi đó ở một số nơi, người dân sống gần trạm BOT vẫn mong chờ được miễn giảm phí.

Vậy các nơi đang thực hiện việc miễn giảm này thế nào? Có cần một quy định chung trên toàn quốc không? Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến nhiều phía về câu chuyện này.

Miễn phí qua trạm BOT trong bán kính 2km

Ông Hà Anh Thái (phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai):

Đã được hợp thức hóa

Bộ GTVT vừa chấp thuận đề xuất của tỉnh về việc miễn phí qua trạm cho người dân sống trong bán kính 2km tại trạm thu phí km124+720 trên quốc lộ 19. Các hộ dân nằm trong diện thụ hưởng thuộc xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang.

Trên thực tế, việc miễn phí qua trạm cho người dân đã được chủ đầu tư áp dụng thời gian qua. Tuy nhiên, do chưa có chủ trương chính thức nên khi thực hiện có một số vướng mắc về hồ sơ, thủ tục nên chúng tôi đã làm đề xuất này.

Anh Trịnh Ngọc Nam (29 tuổi, người dân xã Đăk Ta Ley):

Người dân rất mừng

Nhà tôi có hai chiếc xe tải nhỏ, mỗi xe qua lại không dưới 3 – 4 lượt/ngày, mỗi lượt 75.000 đồng/xe, chịu không nổi. Xe nhà chủ yếu chở hàng nông sản, lâm sản cho gia đình và thỉnh thoảng nhận chở hộ đi tiêu thụ cho bà con địa phương.

Khoảng một năm trở lại đây hai chiếc xe của tôi được miễn thu phí. Chúng tôi rất mừng vì đỡ nhiều chi phí mỗi lần chở nông sản đi bán trong địa bàn xã.

Tôi cho rằng đây là cách làm tốt, hợp lòng dân, cần nhân rộng áp dụng cho những trạm thu phí khác để người dân không phải kêu ca khi bị đặt trạm thu phí gần nhà nữa.

Ông Nguyễn Văn Hưng (48 tuổi, sống gần trạm thu phí quốc lộ 19):

Mở rộng đến bà con xã khác

Tôi ở cách trạm thu phí chừng 1km, trước đây mỗi lần có việc lên xuống huyện, đi công tác, đám đình, đi chợ phải đóng mỗi lượt 35.000 đồng nếu đi ô tô. Trước khi có chính sách miễn giảm, người dân trong xã đã nhiều lần nêu ý kiến vì quá bất cập và thiệt thòi.

Tôi cũng hy vọng việc miễn phí không giới hạn trong phạm vi 2km mà có thể mở ra cho các xã lân cận vì bà con cũng qua lại hằng ngày nhiều lần.

Một lãnh đạo trại giam Gia Trung, đóng tại xã Đăk Ta Ley:

Thủ tục miễn, giảm phí còn phức tạp

Cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi đang bức xúc vì không nằm trong diện giảm phí dù trại giam nằm ngay trạm thu phí. Trước đây có thời điểm ô tô của cán bộ, chiến sĩ đơn vị được giảm 50% phí qua trạm nhưng hiện nay không được miễn.

Việc miễn giảm yêu cầu chủ phương tiện phải có hộ khẩu, căn cước, đăng ký xe tại địa phương là còn cứng nhắc. Nhiều cán bộ, chiến sĩ có nhà ở các địa phương khác trong huyện nhưng thời gian công tác chủ yếu ở tại đơn vị.

Mỗi lượt đi về thăm nhà, đi đám đình, cưới hỏi phải tốn thêm 70.000 đồng. Đặc biệt, trại giam có các phân trại nằm các xã lân cận, mỗi khi qua lại công tác, họp hành dù cự ly ngắn vẫn phải trả tiền.

Chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư cần xem xét giải pháp miễn phí cho phương tiện của cán bộ các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn.

Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 19 (Gia Lai) miễn phí qua trạm cho người dân sống trong bán kính 2km - Ảnh: TẤN LỰC

Trạm thu phí BOT trên quốc lộ 19 (Gia Lai) miễn phí qua trạm cho người dân sống trong bán kính 2km – Ảnh: TẤN LỰC

Mức miễn, giảm tùy loại xe

Trạm thu phí BOT Quảng Trị đặt trên quốc lộ 1 qua xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong. Trạm này ban đầu được xây dựng để thu phí cho đoạn BOT từ TP Đông Hà vào thị xã Quảng Trị.

Sau đó, khi đoạn quốc lộ 1 từ Gio Linh đến TP Đông Hà được nâng cấp cũng theo hình thức BOT và do cùng chủ đầu tư nên trạm này được dùng thu phí gộp cho cả hai đoạn đường BOT. Người dân phản ứng khi nhiều xe cộ chỉ sử dụng một đoạn đường BOT nhưng phải trả tiền cho toàn bộ hai đoạn BOT.

Từ đó, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã có cuộc làm việc với Cục Đường bộ và nhà đầu tư BOT để tìm cách giải quyết.

“Ban đầu là phương án giảm giá cho bán kính 5km tính từ trạm BOT nhưng lãnh đạo tỉnh đã đề nghị tăng lên 10km và đã được Cục Đường bộ cũng như chủ đầu tư đồng ý”, lãnh đạo tỉnh này cho biết.

Chính thức đến tháng 1-2018, người dân một số xã trong bán kính 10km thuộc TP Đông Hà, huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng đã được giảm giá theo mức: 50% đối với các loại xe không sử dụng để kinh doanh, 40% với các loại xe khác, 100% đối với xe buýt.

Ông Trương Ngọc Thắng (ở phường 3, thị xã Quảng Trị):

Tôi thấy được chia sẻ

Việc miễn giảm phí qua trạm là quyết định hợp lý và hợp lòng dân. Tôi có xe tải nhỏ chuyên chở vật liệu xây dựng, có khi chở vật liệu đến bên kia trạm mấy trăm mét nhưng vẫn phải trả phí qua trạm gần 50.000 đồng/lượt, có ngày vài lượt như thế và khoản phí này tôi phải gánh chứ bên chủ công trình không chi trả. Khi có việc thu gộp phí cho đoạn BOT TP Đông Hà – Gio Linh thì sự vô lý này càng nhân lên.

Vì vậy, tôi thấy được chia sẻ rất nhiều khi phí BOT giảm 50%, còn chút tiền lời mà lo sinh hoạt của cả gia đình.

Ông Cái Thiện Tính (trạm trưởng trạm BOT Quảng Trị):

Gần 18.000 xe cộ đăng ký giảm phí BOT

Hiện có gần 18.000 xe thuộc các địa phương lân cận đã được đăng ký giảm phí qua trạm BOT này và mỗi ngày trung bình có hơn 11.000 lượt xe qua trạm. Trong đó có khoảng 3.500 lượt xe trong diện đã được giảm phí, tức chiếm hơn 30% tổng số lượt xe. Việc này chắc chắn bắt buộc phải kéo dài thời gian thu phí để thu hồi vốn.

Trước đó, tại tỉnh Quảng Bình người dân cũng từng rất bức xúc với việc thu phí của trạm BOT Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) đặt trên quốc lộ 1. Sau đó, chính quyền địa phương tiếp nhận những phản ánh này đã có làm việc và thống nhất với chủ đầu tư và Bộ GTVT.

Giữa năm 2017, phương án miễn phí 100% cho người dân TP Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy khi qua trạm BOT Quán Hàu được thống nhất, gồm ô tô chở người dưới 12 chỗ, xe buýt và xe vận tải dưới 2 tấn.

Ông Nguyễn Văn Bình (chủ một doanh nghiệp vận tải tại TP Đồng Hới, Quảng Bình):

Trả đúng phí tài nguyên sử dụng

Trước đây khi đường chưa được làm mới thì việc đi lại vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn vì chất lượng đường quá tệ.

Sau khi có nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng đường mới thì việc đi lại thông thương hàng hóa thuận lợi hơn nhiều. Điều này cho thấy việc đầu tư theo mô hình BOT có những giá trị nhất định với việc phát triển kinh tế – xã hội.

Nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư đường cho người dân đi thì người dân cũng phải có trách nhiệm trả phí là hợp lý. Nhưng sẽ hợp lý hơn nếu người dân được trả đúng mức phí tương đương tài nguyên mình sử dụng, nếu không sử dụng thì không phải trả phí.

Xe của người dân ở các địa phương lân cận trạm thu phí BOT Quán Hàu (Quảng Bình) khi qua trạm được tự động hiển thị “Xe miễn giảm” - Ảnh: QUỐC NAM

Xe của người dân ở các địa phương lân cận trạm thu phí BOT Quán Hàu (Quảng Bình) khi qua trạm được tự động hiển thị “Xe miễn giảm” – Ảnh: QUỐC NAM

Ông Uông Việt Dũng (chánh văn phòng Bộ GTVT):

Chỉ miễn, giảm với các trạm thu phí mở

Hiện nay, với những dự án BOT thu phí mở, có nhiều đường giao cắt thường bao giờ cũng có chính sách của nhà đầu tư để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng xung quanh.

Với những trạm BOT đóng (là những trạm BOT trên các tuyến cao tốc, không bị giao cắt với đường dân sinh, người dân quanh trạm có thể di chuyển bằng đường gom, các tuyến song song – PV), áp dụng cơ chế thu phí theo lượt thì không áp dụng cơ chế miễn giảm phí BOT đối với người dân sống gần khu vực trạm thu phí.

Hiện cũng không có quy định cứng về số dự án BOT phải miễn, giảm phí cho người dân sống gần trạm thu phí. Tuy nhiên, với những dự án BOT do Bộ GTVT làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bộ đã chỉ đạo các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phối hợp với chính quyền địa phương rà soát người dân, phương tiện sinh sống gần trạm, thường xuyên lưu thông qua khu vực trạm để có chính sách giảm phí, vé tháng… để hài hòa lợi ích chung.

Ông Hồ Minh Hoàng (chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả):

Cấp ngân sách cho người dân nếu cần

Hợp đồng BOT đã ký thì phải làm theo hợp đồng. Nhà nước là bên A, nhà đầu tư tư nhân là bên B trong hợp đồng BOT, nếu miễn giảm bên A phải bù đắp chi phí, còn bên B luôn tính toán phương án tài chính. Nếu bên A làm sai hợp đồng BOT thì cũng phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật.

Doanh nghiệp BOT có thể chia sẻ với người dân nhưng ai sẽ chia sẻ với doanh nghiệp, suy cho cùng thì nhà đầu tư BOT cũng là người dân, cũng cần được Nhà nước chia sẻ.

Nếu Bộ GTVT thấy cần thiết hỗ trợ người dân sống gần trạm thì đề xuất lên cấp có thẩm quyền cấp ngân sách để hỗ trợ người dân. Bởi mục tiêu cuối cùng của cả Nhà nước và doanh nghiệp là có con đường tốt nhất cho người dân đi.

Nên bổ sung quy định miễn giảm áp dụng chung cả nước

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng ngoài một số trạm đã thực hiện việc miễn giảm phí cho người dân gần trạm thì đến nay vẫn còn một số trạm BOT chưa thực hiện. Việc có trạm miễn giảm, có trạm không miễn giảm cho người dân sống gần khu vực là rất vô lý.

Do vậy, thời gian tới Bộ GTVT cần tiếp tục có chỉ đạo, hướng dẫn và các địa phương cần vào cuộc để có đàm phán với các nhà đầu tư đường BOT nhằm miễn giảm phí cho người dân sống gần.

Về lâu dài, Bộ GTVT và cơ quan có chức năng nên nghiên cứu để bổ sung quy định cụ thể về việc miễn giảm phí cho chủ phương tiện sống gần các trạm BOT trong luật, nghị định, thông tư… Khi xây dựng phương án tài chính của các trạm sẽ bổ sung nội dung này và thực hiện chung trên cả nước, tránh cho nơi làm, nơi không làm, khiến người dân bức xúc.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật, cho rằng các địa phương cần vào cuộc tích cực đàm phán vì ngoài các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý còn có một số trạm BOT do chủ đầu tư ký kết với địa phương, thực hiện theo phương án mở, việc miễn giảm phí liên quan phương án tài chính ban đầu ký kết giữa địa phương với nhà đầu tư nên chưa thực hiện việc này dẫn đến người dân bức xúc.

Do đó thời gian tới, các địa phương cần tích cực vào cuộc đàm phán với các nhà đầu tư, rồi báo cáo Bộ GTVT để tiến hành miễn giảm cho người dân sống gần các trạm này trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Đồng thời về lâu dài, Bộ GTVT nên có hướng dẫn, quy định chung để việc miễn giảm này có thể thực hiện trên cả nước, tránh trường hợp nơi làm nơi không.

TP.HCM đang xem xét kiến nghị về BOT Phú Hữu

Đoạn đường Nguyễn Thị Tư (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) được Công ty xi măng Vincem Hà Tiên đầu tư dài hơn 2,6km. Khu vực ra vào trạm BOT Phú Hữu hiện rất nhiều xe container đậu kín - Ảnh: THU DUNG

Đoạn đường Nguyễn Thị Tư (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) được Công ty xi măng Vincem Hà Tiên đầu tư dài hơn 2,6km. Khu vực ra vào trạm BOT Phú Hữu hiện rất nhiều xe container đậu kín – Ảnh: THU DUNG

Trước thông tin dự kiến sẽ thu phí BOT Phú Hữu (TP Thủ Đức, TP.HCM) trong năm nay, nhiều người dân sinh sống khu vực này bày tỏ không đồng tình thu phí “đường độc đạo” đi lại hằng ngày. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vận tải cũng lo “phí chồng phí”.

Anh N.T.N. (một người dân ở khu phố 6, phường Phú Hữu):

Đi đoạn đường 100 – 150m, cũng phải đóng phí?

Nghe tin sắp tới trạm thu phí BOT trên trục đường Nguyễn Thị Tư, mức phí 17.000 đồng/lượt/xe dưới 12 chỗ trở xuống trong khi khu dân cư chúng tôi ở ngay trên trục đường Nguyễn Thị Tư (đi qua BOT) thì chúng tôi rất băn khoăn.

Ngày nào người dân ở đây cũng phải đi qua “con đường độc đạo này” nối ra trục đường Nguyễn Duy Trinh nhiều lần vì công việc, sinh hoạt… Bên cạnh đó, khu dân cư này hiện là khu nội bộ, chỉ có xe cá nhân hoặc xe dịch vụ chứ không kinh doanh vận tải hàng hóa liên tỉnh, trọng tải nặng. Khoảng cách từ khu dân cư đến trạm BOT khoảng 100 – 150m so với tổng chiều dài tuyến là 2,6km là cự ly quá ngắn để thu phí.

Tôi và những người dân ở đây đã có đơn kiến nghị các đơn vị không thu phí đối với ô tô dưới 12 chỗ ngồi của người dân từ trạm thu phí hướng về phía cảng (và ngược lại). Đồng thời xem xét không thu đối với xe dịch vụ phục vụ nhu cầu đi lại của cư dân nơi đây.

Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM):

Doanh nghiệp vận tải lo “phí chồng phí”

Thời gian qua, hiệp hội nhận được đơn thư của hàng loạt doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp xuất khẩu bày tỏ lo lắng “phí chồng phí” khi phải gánh thêm phí qua BOT Phú Hữu. Đây là đường độc đạo nên xe vào ra bắt buộc đều phải đi 2 lượt. Chi phí phải trả thêm là 132.000 đồng/2 lượt/container 20 feet và 266.000 đồng/2 lượt/container 40 feet.

Họ cũng chỉ ra với khoảng cách từ ngã ba đường Nguyễn Duy Trinh rẽ vào đường Nguyễn Thị Tư đến vị trí đặt trạm thu phí BOT chỉ khoảng 300m. Tuy nhiên mật độ xe container qua đoạn này lớn (nhất là sau các khung giờ cấm) thì khoảng cách này quá ngắn để các xe nối đuôi nhau qua 2 lần ra/vào.

Điều này nguy cơ gây kẹt xe, tắc nghẽn nghiêm trọng khu vực này, ảnh hưởng việc lưu thông, quay vòng xe và phát sinh thêm chi phí nhiên liệu do kẹt xe, xe phải xếp hàng…

Từ những khó khăn nói trên, các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu kiến nghị UBND TP.HCM xem xét miễn giảm hoặc giảm trừ chi phí thu qua trạm; thay đổi phương án hoặc có phương án bù đắp riêng cho chủ đầu tư dự án BOT này.

Đại diện Sở GTVT TP.HCM:

Giải quyết cho người dân đủ điều kiện

Dự án đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu được ký kết hợp đồng BOT từ năm 2012 với tổng mức đầu tư khoảng 461 tỉ đồng, dự kiến sẽ vận hành, thu phí từ quý 3-2024.

Sở GTVT TP.HCM đang trình UBND TP.HCM về việc miễn, giảm phí cho người dân sống ở khu vực trạm BOT đủ điều kiện. Sau khi UBND TP.HCM quyết định, các đơn vị sẽ thông báo rộng rãi cho người dân.

Source link

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *