Ngày 7-7, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã phản hồi tới Tuổi Trẻ, xác nhận vào ngày 5-7 Công ty Điện lực An Phú Đông (đơn vị trực thuộc EVNHCMC) có bảo trì lưới điện tại Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và di dời hệ thống đo đếm… Việc thi công là “đúng kỹ thuật và không gây mất điện khách hàng bởi đây là nơi tiêu thụ điện quan trọng của TP.HCM”.
Điện lực khẳng định không có lỗi
EVNHCMC cho hay lúc 9h17 cùng ngày, Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP.HCM phát hiện thông báo bật máy cắt tại trạm CN2 và phát hiện trên màn hình hệ thống có tín hiệu báo sự cố tại tủ RMU T5. Nhóm công tác của Công ty Điện lực An Phú Đông kiểm tra, phát hiện bật máy cắt tại trạm CN2 làm mất điện một phần QTSC, trong đó có tủ RMU T5 đang cấp điện cho Trung tâm Dữ liệu dự phòng (Data Center) thuộc sở hữu của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Ngay sau đó, Công ty Điện lực An Phú Đông đã khẩn trương xử lý để cấp điện lại sau 19 phút.
Theo EVNHCMC, sơ bộ kết quả điều tra cho thấy lưới điện do Công ty Điện lực An Phú Đông quản lý vẫn vận hành đúng tiêu chuẩn, không có bất thường. Các phụ tải (bên dùng điện – PV) có máy phát điện dự phòng trong khu này vẫn đảm bảo cung cấp điện. Tuy nhiên, máy phát điện ở Data Center của HoSE vận hành không ổn định, dẫn đến gián đoạn điện tới 28 phút tại trung tâm này.
Ông Luân Quốc Hưng, phó tổng giám đốc EVNHCMC, khẳng định tại tòa nhà Data Center có hai máy phát điện dự phòng với công suất 2000+560kVA, khi mất điện thì máy phát này hoạt động không ổn định, việc mất kết nối là do mất điện nội bộ của tòa nhà Data Center.
Đồng thời, ông Hưng cho rằng với một Data Center quan trọng như tại QTSC, khách hàng phải đảm bảo mức độ cấp điện dự phòng cao, thậm chí gấp 3 lần những nơi khác. Trong đó, ngoài máy phát dự phòng, cần có bộ lưu điện và phải được sửa chữa, bảo dưỡng đúng kỹ thuật, thậm chí diễn tập các sự cố thường xuyên.
“Giả sử có một vật gì đó vướng vào lưới gây nên sự cố mất điện tạm thời, nhưng máy phát hoạt động ổn định, có hệ thống lưu điện đảm bảo thì rõ ràng nguồn điện trong nội bộ tòa nhà vẫn đảm bảo”, ông Hưng nói.
Không hiểu sao lại có thể mất kết nối
Vụ mất kết nối với HoSE trong phiên thứ sáu tuần qua không gây thiệt hại quá lớn nhưng các bên có liên quan “đá” trách nhiệm qua lại, nguyên nhân thực sự chưa rõ khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán tỏ ra ngạc nhiên vì sao mất điện lại có thể làm mất kết nối luôn hệ thống phục vụ cho thị trường chứng khoán.
Các sở giao dịch chứng khoán phải đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia – là hệ thống quản lý kinh doanh liên tục, được áp dụng để bảo vệ tổ chức khỏi các mối đe dọa và gián đoạn tiềm năng.
“Cần ý thức lĩnh vực chứng khoán có tác động rất lớn. Các hệ thống bao gồm hệ thống dự phòng phải luôn được đầu tư, chạy song song, đảm bảo mất điện đột ngột cũng vẫn hoạt động”, vị này nói.
Cũng theo vị này, để làm rõ trách nhiệm, cần xem xét hợp đồng giữa HoSE và QTSC, bên nào chịu trách nhiệm việc chạy thông suốt ở Data Center. Cần rà soát kỹ các quy trình xem có đạt tiêu chuẩn hay không, để tránh trường hợp xảy ra sự cố đáng tiếc khác sau nay.
Trước đó, theo thông báo từ HoSE, nguyên nhân là do sự cố mất điện ở Data Center tại QTSC làm gián đoạn kết nối của một số công ty chứng khoán đặt thiết bị công nghệ thông tin tại đây. Còn QTSC cho biết do phía điện lực thông báo không mất điện nhưng vẫn để xảy ra mất điện.
Ông Nguyễn Thành Thảo, giám đốc kinh doanh trung tâm dữ liệu khu vực phía Nam, Công ty TNHH MTV viễn thông quốc tế FPT, cho biết thành phần quan trọng nhất của một trung tâm dữ liệu là hệ thống điện. Đây chính là yếu tố sống còn, do vậy cần có hệ thống dự phòng như máy phát điện và UPS (bộ lưu điện).
Ngoài ra còn cần có hệ thống làm mát, hệ thống an toàn thông tin bao gồm việc đảm bảo an ninh khi truy xuất trung tâm dữ liệu cũng như các biện pháp đảm bảo an ninh mạng và dữ liệu. Theo ông Thảo, một trung tâm dữ liệu hiệu quả cần đảm bảo vận hành liên tục và không gián đoạn.
“Các quy trình phải được vận hành chuẩn mực. Mọi sự cố với hệ thống này dù gián đoạn tính bằng phút cũng là thảm họa với các hệ thống công nghệ thông tin đặt trong các trung tâm dữ liệu này, bởi nó không chỉ gây ra sự gián đoạn dịch vụ mà còn có thể dẫn đến hỏng hóc phần cứng đặc biệt có thể kéo theo mất mát dữ liệu, gây ra những rủi ro lớn hơn, lâu dài hơn và những thiệt hại nặng nề cho khách hàng”, ông Thảo phân tích.
Trang bị tốt ở nơi tiêu thụ điện quan trọng bậc nhất TP.HCM
Ông Luân Quốc Hưng khẳng định Công viên phần mềm Quang Trung là một trong những nơi tiêu thụ điện quan trọng nhất của TP.HCM, có dự phòng đầy đủ, lưới điện được trang bị hệ thống tự động hóa giám sát điều khiển từ xa và luôn được kiểm tra, sửa chữa bảo dưỡng thường xuyên. Sự cố lưới điện là bất khả kháng, cụ thể vì sao máy cắt bật thì phải điều tra, trao đổi trong cuộc làm việc vào các bên tới đây. “Nhưng sơ bộ không có bất thường trên lưới nên mới đóng lại được máy cắt, nếu có hư hỏng sẽ không thể đóng lại nhanh trong 19 phút”, ông Hưng nói.
Cần xem như bài học để tránh lặp lại
Lãnh đạo một công ty chứng khoán ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho hay vẫn chưa hiểu thực sự nguyên nhân từ đâu vì mỗi bên một lý lẽ. Trong khi việc này cần được hiểu rõ bản chất để rút kinh nghiệm vì là vấn đề an toàn cho hệ thống dữ liệu ngành chứng khoán. Ngành khác cũng cần nghiên cứu, bởi nếu hệ thống ngân hàng cũng bị sự cố thế này sẽ rất nguy.
“Sự cố này cần được coi là bài học để các bên liên quan nhìn nhận, đánh giá, tránh những sự cố tương tự hoặc lớn hơn sau này, gây thiệt hại cho nhà đầu tư hoặc xói mòn niềm tin về hệ thống”, vị này nói và nhấn mạnh về nguyên tắc dự phòng, cúp điện phải có hệ thống khác sẵn sàng thay thế, vậy mới đảm bảo nguyên tắc dự phòng.