Thương vụ thâu tóm “dang dở” của bà Trương Mỹ Lan
Phiên xét xử giai đoạn hai vụ án Vạn Thịnh Phát đang diễn ra. Diễn biến mới nhất, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, muốn bán một loạt cổ phần để lấy tiền khắc phục hậu quả.
Trong danh sách này có Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam với 82% vốn góp, với giá trị khoảng 492 tỉ đồng do bà Lan giao cho một số cá nhân và hai công ty đứng tên.
Theo tìm hiểu, công ty bảo hiểm này ban đầu 100% cổ phần của nước ngoài, sau đó được nhóm nhà đầu tư mới do bà Trương Mỹ Lan đứng sau mua lại hồi tháng 3-2022.
Vệc chuyển nhượng chưa hoàn thành về mặt thủ tục pháp lý thì xảy ra vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Lan bị bắt giam vào tháng 10-2022.
Cụ thể, báo cáo tài chính của Bảo hiểm FWD Việt Nam cho biết ngày 14-3-2022, Bộ Tài chính đã ban hành công văn 2411 chấp thuận về nguyên tắc chuyển nhượng 100% vốn góp tại công ty từ FWD Life Insurance Company (Bermuda) Limited sang một nhóm gồm 11 nhà đầu tư, trong đó mỗi người không sở hữu quá 10% cổ phần.
Nhóm nhà đầu tư này được đại diện bởi Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI), là bên nhận ủy quyền từ các nhóm nhà đầu tư này để thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch chuyển đổi chủ sở hữu.
Theo xác nhận chuyển nhượng giữa FWD Life Insurance Company và TVSI tháng 6-2022, quyền sở hữu của Bảo hiểm FWD Việt Nam đã được chuyển sang nhóm nhà đầu tư mới.
Đến tháng 4-2022, công ty này đã nộp báo cáo giao dịch với Bộ Tài chính và yêu cầu phê duyệt việc thay đổi sở hữu và điều chỉnh giấy phép thành lập hoạt động.
Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa phê duyệt việc điều chỉnh giấy phép và hoạt động. Doanh nghiệp vẫn cho biết đang trong quá trình cung cấp thêm thông tin tới Bộ Tài chính về giao dịch chuyển nhượng vốn này.
Sự dang dở này cũng lý giải vì sao thị trường có hai công ty bảo hiểm nhân thọ cùng tên “FWD Việt Nam”, nhưng do hai chủ sở hữu khác nhau và chỉ một bên có liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát.
Công ty bảo hiểm của bà Trương Mỹ Lan làm ăn ra sao?
Bảo hiểm FWD Việt Nam tiền thân là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif, thành lập năm 2008. Đến năm 2020, công ty này được FWD Group mua lại và đổi tên thành Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam.
Cũng bởi vậy, tại báo cáo tài chính năm 2023, Bảo hiểm FWD Việt Nam cho biết mối quan hệ với Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam là “công ty con cùng tập đoàn” (tính đến ngày 21-3-2022).
Đổi chủ liên tục trong một thời gian ngắn, quy mô mảng cốt lõi của Bảo hiểm FWD Việt Nam lép vế hơn so với Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam.
Tại báo cáo tài chính bán niên 2024, doanh thu phí bảo hiểm trong nửa đầu năm nay đạt hơn 70 tỉ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tổng chi phí bồi thường và trả tiền bảo hiểm lên gần 64 tỉ đồng, lợi nhuận gộp trong lĩnh vực này của Bảo hiểm FWD Việt Nam chỉ gần 6 tỉ đồng sau nửa năm.
Trong khi doanh thu hoạt động tài chính với đóng góp chủ yếu từ lãi ngân hàng lại cao hơn, đạt hơn 80 tỉ đồng trong 6 tháng.
Doanh thu hoạt động bảo hiểm của Bảo hiểm FWD Việt Nam sụt giảm từ năm 2020 đến nay. Năm 2019, trước khi FWD Group thâu tóm, doanh thu từ hoạt động bảo hiểm vẫn đạt hơn 420 tỉ đồng.
Đến năm 2023, mảng kinh doanh cốt lõi này mang về doanh thu chỉ còn 233 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức 351 tỉ đồng năm 2022.
Tại thời điểm cuối tháng 6-2024, tổng tài sản công ty bảo hiểm trong hệ sinh thái bà Trương Mỹ Lan đạt 2.500 tỉ đồng, vốn góp chủ sở hữu 600 tỉ đồng.
Nhìn sang Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam, doanh nghiệp thuộc FWD Group ghi nhận tổng tài sản gần 18.700 tỉ đồng tính tới giữa năm 2023, với vốn chủ sở hữu gần 11.800 tỉ đồng.